Lầu Năm Góc: Binh sĩ Ukraine có thể được huấn luyện tại Mỹ
(Dân trí) - Lầu Năm Góc cho biết Washington đang xem xét đưa lực lượng Ukraine tới Mỹ để huấn luyện sử dụng các vũ khí cung cấp cho Kiev.
Trong cuộc họp báo ngày 5/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder thông báo Mỹ đang xem xét đưa lực lượng Ukraine tới Mỹ để đào tạo sử dụng hệ thống tên lửa Patriot và huấn luyện ở nước ngoài "hoặc kết hợp cả hai".
"Tôi nghĩ rằng, ở giai đoạn này của cuộc chiến, chúng ta cần cung cấp hình thức huấn luyện nhằm cho phép Ukraine duy trì các loại hệ thống vũ khí, giúp họ có thể tập trung vào việc bảo vệ đất nước và giành lại lãnh thổ", ông Ryder nói thêm.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington sẽ bắt đầu chương trình huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine ở Đức vào cuối tháng 1 với số lượng khoảng 500 người mỗi tháng.
"Mỹ đang đẩy mạnh chương trình huấn luyện vũ khí và diễn tập chung, dự kiến bắt đầu trong tháng này, có thể là trong vài tuần nữa ở Đức. Chúng tôi sẽ huấn luyện khoảng 500 binh sĩ Ukraine ở cấp tiểu đoàn mỗi tháng", ông Ryder thông báo.
Ông Ryder xác nhận Mỹ đã huấn luyện khoảng 3.100 binh sĩ Ukraine kể từ tháng 4/2022. Ông cũng cho biết, khoảng 12.000 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện theo các chương trình huấn luyện quốc tế.
Chương trình huấn luyện của Mỹ chú trọng việc hướng dẫn lực lượng Ukraine cách vận hành các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ, trong đó hơn 600 binh sĩ được đào tạo sử dụng Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Ngoài Mỹ, các đồng minh phương Tây như Anh, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cũng tham gia huấn luyện cho lực lượng Ukraine.
Chương trình huấn luyện mở rộng của Mỹ dự kiến chú trọng đến tác chiến hỗn hợp, phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh với không quân để yểm trợ lẫn nhau. Chiến thuật này còn khá mới đối với nhiều binh sĩ Ukraine, mặc dù Kiev đã sử dụng nó ở mức độ nào đó để phản công hiệu quả ở miền Nam và Đông Bắc cách đây vài tháng.
"Huấn luyện rất quan trọng để Ukraine tiếp tục thành công trên chiến trường với việc đảm bảo rằng Ukraine có một lực lượng chuyên nghiệp cần thiết", Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, nhấn mạnh.
Giới chức Ukraine bày tỏ lo ngại về việc đưa quá nhiều binh sĩ ra khỏi tiền tuyến để đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh mùa đông, cường độ xung đột có thể giảm xuống ở nhiều mặt trận, đây có thể là thời gian phù hợp cho việc huấn luyện.
Mỹ ngày 5/1 thông báo sẽ cấp thêm cho Ukraine gần 3 tỷ USD viện trợ quân sự, trong đó lần đầu tiên bao gồm các xe chiến đấu bộ binh Bradley. Bradley do Mỹ phát triển vào những năm 1970 để đối phó với xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc tuyên bố xe chiến đấu bộ binh Bradley sẽ cung cấp "cả khả năng tấn công và phòng thủ cho Ukraine để có thể thay đổi cục diện trên chiến trường". Ông cũng cho biết quân đội Ukraine cần được huấn luyện để vận hành và bảo dưỡng các phương tiện này.