1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Với gói viện trợ mới trị giá 1,85 tỷ USD, Mỹ lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine tổ hợp tên lửa phòng không Patriot.

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 21/12 (Ảnh: AP).

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói viện trợ mới trị giá 1,85 tỷ USD cho Kiev, nâng tổng giá trị viện trợ quân sự cho nước này lên 21 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với người đồng cấp Joe Biden, ông Zelensky đã cảm ơn sự hỗ trợ của Washington suốt thời gian qua. Mặt khác, ông cho biết, Ukraine vẫn cần nhiều khí tài hơn nữa để nhanh chóng chấm dứt xung đột chuẩn bị bước sang tháng thứ 11.

Báo Newsweek đã liệt kê 5 khí tài đáng chú ý nhất trong gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine.

Lá chắn Patriot

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine - 2

Một tổ hợp tên lửa phòng không Patriot trong một cuộc tập trận của NATO năm 2017 (Ảnh: AP).

Hệ thống tên lửa đất đối không Patriot được coi là tổ hợp phòng không đắt đỏ nhất, hiện đại nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ đầu năm nay. Tổng thống Zelensky khẳng định, Patriot chắc chắn sẽ giúp "tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Ukraine".

Patriot có khả năng theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu và hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các tên lửa Patriot PAC-3 có thể đánh trúng các mục tiêu như máy bay, tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái (UAV). Nó có khả năng đánh chặn mục tiêu ở độ cao lên tới 40km. Một tên lửa PAC-3 có giá khoảng 4 triệu USD. Lầu Năm Góc không tiết lộ liệu Mỹ sẽ chuyển bao nhiêu tên lửa loại này cho Ukraine.

Mặc dù Patriot được đánh giá có nhiều ưu điểm, song việc huấn luyện vận hành tổ hợp này đòi hỏi nhiều thời gian, có thể lên đến vài tháng.

Bộ điều khiển tấn công trực diện phối hợp (JDAM)

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine - 3

Quân nhân Mỹ vận chuyển một quả bom được tích hợp JDAM lên máy bay chiến đấu ở căn cứ không quân năm 2013 (Ảnh: Không quân Mỹ).

Gói viện trợ mới cũng bao gồm bộ điều khiển tấn công trực diện phối hợp (JDAM), một loại công cụ có thể tích hợp để biến bom thông thường thành bom thông minh được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS. JDAM có thể đánh trúng mục tiêu ở cách xa gần 30km.

Theo Washington Post, quân đội Mỹ đã sử dụng thiết bị này trên những quả bom có trọng lượng lên tới hơn 900kg, thường phối hợp với máy bay ném bom và máy bay chiến đấu. 

Các máy bay Ukraine thường phải bay tầm thấp để né radar phòng không của Nga và điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tấn công chính xác. JDAM có thể giúp máy bay chiến đấu của họ ném bom với độ chính xác cao hơn, ở khoảng cách xa hơn.

Hiện chưa rõ, Ukraine sẽ sử dụng loại bom thông minh này cho các máy bay hay hệ thống mặt đất.

Pháo HIMARS và Excalibur

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine - 4

Một tổ hợp pháo phản lực HIMARS (Ảnh: Getty).

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) được đánh giá đã góp phần đáng kể làm thay đổi cục diện chiến sự Nga - Ukraine kể từ khi Mỹ cung cấp cho Ukraine các tổ hợp này từ giữa năm nay. Với HIMARS, quân đội Ukraine có thể tấn công các vị trí của lực lượng Nga cách xa tới 80-100km với độ chính xác cao.

Trong gói viện trợ mới, Mỹ tiếp tục cung cấp HIMARS cho Ukraine, song không nêu rõ số lượng. Kiev hiện sở hữu 18 tổ hợp HIMARS cùng với 10 tổ hợp pháo tương đương mà các đồng minh phương Tây khác cung cấp như MARS của Đức, M270B1 của Anh.

Ngoài ra, gói viện trợ cũng bao gồm 500 quả đạn pháo 155mm dẫn đường chính xác Excalibur. Một chỉ huy của Ukraine mới đây cho biết, Excalibur rất hiệu quả trong việc phá hủy xe quân sự đối phương từ xa. Loại pháo này có tầm hoạt động khoảng 50km và có thể được lập trình để tự kích nổ.

Tên lửa AGM-88 HARM

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine - 5

Quân nhân Mỹ gắn tên lửa AGM-88 HARM lên một máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ không quân ở Đức (Ảnh: Không quân Mỹ).

AGM-88 HARM là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để dẫn đến mục tiêu dựa vào phát xạ điện tử kết hợp với hệ dẫn rada của tên lửa không đối đất.

Ukraine đã và đang sử dụng AGM-88 HARM để phá hủy các hệ thống phòng không của Nga từ khoảng cách xa. Trong tuần này, Nga tuyên bố đã đánh chặn 4 tên lửa này ở vùng Belgorod, giáp biên giới Ukraine.

Khi AGM-88 HARM lần đầu tiên xuất hiện ở Ukraine hồi mùa hè này, giới quan sát tỏ ra khá bất ngờ bởi Không quân Ukraine có thể sử dụng những tên lửa đó cho các máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô.

HARM là tên lửa tương đối cũ, được triển khai lần đầu tiên vào năm 1983. Nó có chiều dài khoảng 4m, trọng lượng hơn 300kg, có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 50km, đạt tốc độ tối đa Mach 2 (khoảng 2.450km/h).

Việc Ukraine được tiếp nhận thêm AGM-88 HARM sẽ làm tăng thách thức cho các hệ thống phòng không của Nga, đặc biệt khi Moscow vẫn chưa thể chiếm ưu thế trên không ở Ukraine sau 10 tháng xung đột.

Xe Cougar và Humvee

5 vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine - 6

Xe quân sự Humvee do Mỹ sản xuất (Ảnh: Military).

Đà tiến công của Ukraine đang chậm lại do ảnh hưởng của thời tiết mưa đầu đông khiến mặt đất bùn lầy. Cả Nga và Ukraine đều đang chờ đến khoảng giữa mùa đông khi mặt đất bắt đầu đóng băng để tiến hành các đợt tấn công bằng các phương tiện cơ giới. Khi đó, xe tăng và các xe bọc thép sẽ đóng vai trò tạo đột phá, tuy nhiên, các xe trinh sát và bọc thép hạng nhẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thâm nhập các điểm yếu trong phòng tuyến của đối phương.

Trong gói viện trợ mới, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 37 xe phục kích chống mìn Cougar. Kiev hiện sở hữu 20 chiếc Cougar và một số lượng không xác định xe Mastiff của Anh.

Ngoài ra, Washington cũng chuyển thêm cho Ukraine 120 xe đa dụng cơ động cao Humvee. Đây là mẫu xe do tập đoàn American Motors Corporation của Mỹ sản xuất năm 1980.

Với tầm hoạt động là 560km, tốc độ di chuyển từ 105km/h - 144km/h, Humvee có sức chở từ 1.200kg tới 2.200kg tùy theo từng biến thể. Đặc biệt, nó có khả năng lội nước sâu 76 cm trong điều kiện bình thường, hay tới 1,5m khi được tích hợp hệ thống hỗ trợ lội nước.

Humvee được thiết kế để có thể chống chịu các vụ nổ tương đương với 5,4kg TNT trước đầu xe hoặc 1,8kg TNT phía sau xe. Xe Humvee có khả năng trang bị tên lửa chống tăng, súng máy hạng nặng, súng phóng lựu liên thanh.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm