NATO cam kết đảm bảo an ninh cho Thụy Điển khi xin gia nhập
(Dân trí) - NATO sẵn sàng triển khai thêm lực lượng đến vùng biển Baltic khi Thụy Điển chính thức đệ đơn xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 5/5 cho biết, liên minh quân sự này sẽ lập tức tăng cường phòng thủ cho Thụy Điển ngay khi đệ đơn gia nhập NATO, thậm chí trước khi được kết nạp.
"Ngay thời điểm Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập, sẽ có một cam kết rất mạnh mẽ từ NATO để đảm bảo an ninh cho Thụy Điển". Người đứng đầu NATO nhấn mạnh: "Chúng tôi có nhiều cách khác nhau để làm điều đó, bao gồm thông qua việc tăng cường hiện diện của lực lượng NATO ở khu vực quanh Thụy Điển và biển Baltic".
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh gần đây Thụy Điển và Phần Lan phát tín hiệu sẵn sàng xin gia nhập NATO do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Thụy Điển và Phần Lan từ lâu đã giữ lập trường trung lập. Tuy nhiên, việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2 năm nay khiến hai nước này buộc phải xem xét lại chính sách an ninh và cân nhắc khả năng gia nhập NATO. Mặt khác, Thụy Điển và Phần Lan đều lo ngại dễ bị tổn thương trong quá trình xin gia nhập có thể kéo dài một năm hoặc lâu hơn.
Trước những lo ngại này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 5/5 cho biết, Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan trong thời gian đó cho đến khi được kết nạp vào NATO. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể tìm ra những cách thức giải quyết bất cứ lo ngại nào mà hai nước có thể đối mặt trong thời gian kể từ khi nộp đơn cho đến khi chính thức gia nhập liên minh", bà Psaki nói.
Hôm 4/5, phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Washington, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng cho biết đã nhận được đảm bảo an ninh từ Mỹ, nhưng từ chối nêu chi tiết.
Kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đã vấp phải chỉ trích của Nga do Moscow vốn lo ngại mối đe dọa từ việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu hai nước này gia nhập NATO, sẽ không còn một Baltic phi hạt nhân. Ông cho biết Nga sẽ "củng cố nghiêm túc việc tập hợp các lực lượng mặt đất và phòng không cũng như triển khai các lực lượng hải quân đáng kể ở Vịnh Phần Lan.