Iran tìm ra "gót chân Achilles" của Israel và đòn trả đũa sẽ rất khốc liệt?
(Dân trí) - Quân đội Iran có thể đã tìm ra "gót chân Achilles" của Israel và đòn tấn công phủ đầu nhằm vào đối thủ dự kiến sẽ vô cùng mạnh mẽ, tạp chí Mỹ National Interest nhận định.
Có rất nhiều suy đoán về mục tiêu mà Iran cũng như lực lượng ủy nhiệm của họ sẽ tấn công để trả đũa Israel sau vụ ám sát nhằm vào thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh và phó thủ lĩnh Hezbollah Fuad Shukr.
Dù đã có nhiều kịch bản được thảo luận, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có một khả năng cụ thể cần được xem xét kỹ lưỡng.
Lần này, mục đích của Iran khi tấn công Israel không chỉ là để thể hiện sức mạnh mà còn là để thực thi quyền lực, gây ra nỗi đau và thiệt hại đáng kể cho đối thủ.
Tuy nhiên, Iran phải đối mặt với một vấn đề lớn: mặc dù họ có thể gây ra thiệt hại trong một cuộc tấn công đầu tiên, nhưng lại không có đủ phương tiện và năng lực quân sự để tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công trả đũa của Israel, Mỹ hoặc đòn tấn công kết hợp của cả hai nước và các đồng minh của họ.
Do đó, kịch bản tốt nhất cho Iran là tiến hành một cuộc tấn công tạo ra phản ứng dây chuyền khiến Israel phải dồn mọi nỗ lực chống đỡ và không thể tiến hành một cuộc phản công ngay lập tức và đạt hiệu quả. Mục tiêu cụ thể có thể là dải đất hẹp giữa Bờ Tây và Dải Gaza. Lãnh thổ Israel này, dài khoảng 100km, ngăn cách khoảng 2,7 triệu người Ả Rập ở Bờ Tây với khoảng 1,8 triệu người Ả Rập ở Dải Gaza.
Israel có nhiều căn cứ quân sự trong khu vực này để đảm bảo an ninh, an toàn. Vì vậy, khi thực hiện tấn công, Iran có thể nhắm mục tiêu phá hủy các căn cứ quân sự này, và hy vọng những phẫn nộ và tức giận tích tụ ở Bờ Tây trong 8 tháng qua sẽ dẫn đến một cuộc nổi loạn chống lại Israel.
Khu vực này cũng là mục tiêu được cho là có trong "danh sách các mục tiêu tấn công" do phương tiện truyền thông Iran công bố. Theo đó, 4 trong số 7 căn cứ quân sự bị nhắm mục tiêu nằm ở dải đất này.
Iran cũng hy vọng làn sóng biểu tình ở Bờ Tây, kết hợp với cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza và căng thẳng với Hezbollah ở phía bắc, sẽ đẩy Israel vào một tình huống "không thể kiểm soát được Jerusalem". Trong bối cảnh này, Iran có thể coi dải đất là "gót chân Achilles" của Israel.
Bằng cách gây áp lực quân sự lên khu vực nói trên, Iran có thể hy vọng tạo ra một cơ hội lớn hơn cho Hamas ở Gaza và các phe phái ở Bờ Tây, để các nhóm này có thể gây nhiều khó khăn hơn cho Lực lượng phòng vệ Israel. Một cuộc tấn công như thế cũng có thể khiến hệ thống giao thông vận tải và liên lạc trên bộ giữa miền bắc và miền nam Israel bị đình trệ, làm lộ ra những trở ngại lớn về hậu cần.
Điều quan trọng nữa là Tehran cũng đã nỗ lực trang bị vũ khí cho Bờ Tây. Và có thể là sau cuộc tấn công nhằm vào Israel, tình hình ở nơi đây sẽ diễn biến khó lường, có nguy cơ bạo lực lan rộng.
Trong kịch bản này, bước tiếp theo của Iran có thể là để Hezbollah giải quyết tình trạng hỗn loạn sau đó, khiến Israel không có thời gian trong khi Tehran tập hợp lại hay tìm cách khởi xướng các cuộc đàm phán.
Tình thế "tiến thoái lưỡng nan"
Tuy nhiên, tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mà Tehran vẫn phải đối mặt là không có gì đảm bảo rằng, trong một kịch bản như vậy, sẽ có sự phân chia vai trò giữa Mỹ và Israel.
Theo đó, Israel có thể sẽ chống lại tình trạng bất ổn ở Bờ Tây, Dải Gaza và lãnh thổ của chính mình, trong khi Mỹ sẽ trực tiếp đối đầu với Iran. Sự bất ổn này là thách thức đáng kể đối với Iran, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Bởi vì nếu Washington thiếu phản ứng hoặc phản ứng yếu kém trong việc bảo vệ một đồng minh lớn ở Trung Đông như Israel, điều đó có thể khiến cho đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và ứng cử viên Kamala Harris của đảng này bị mất điểm.
Giải pháp của Iran cho một kịch bản như vậy có thể là tung ra các lực lượng ủy nhiệm Shitte để tấn công các lực lượng Mỹ ở Iraq, Syria và Jordan. Trong khi đó, Houthi có thể tiếp tục các cuộc tấn công vào Israel, tấn công cảng Eilat và leo thang hành vi quấy rối giao thông hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ, khiến chi phí vận chuyển cao và gia tăng áp lực tài chính lên phương Tây.
Tuy nhiên, trong khi tất cả những hành động này có thể gây áp lực lên Mỹ và Israel, việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm vẫn không giải quyết được vấn đề chính của Iran đó là sự bất cân xứng về quyền lực giữa nước này và quan hệ đối tác Israel - Mỹ.
Trong tình huống này, Tehran phải thận trọng. Bất kỳ việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm nào cũng có thể dẫn đến một phản ứng nghiêm trọng gây nguy hiểm cho mạng lưới mà nước này đã dành 4 thập kỷ để thiết lập. Ngoài ra, việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm ở Syria có thể gây ra một cuộc tấn công lớn nhằm vào chính phủ của Tổng thống Assad, gây nguy hiểm cho những nỗ lực và lợi ích của Nga.
Vì thế, có thể khẳng định rằng cho dù đường ranh giới dài khoảng 100km giữa Bờ Tây và Dải Gaza có phải là "điểm yếu chí mạng" của Israel hay không, Iran có nguy cơ lộ ra điểm yếu của mình nếu tiến hành một cuộc tấn công liều lĩnh.