1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đọ sức mạnh trên không giữa Israel và Iran

CTV

(Dân trí) - Sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas tuần trước, những lời đe dọa trả đũa của Tehran đã hướng sự chú ý đến sức mạnh không quân giữa Iran và Israel.

Sức mạnh của Không quân Iran 

Đọ sức mạnh trên không giữa Israel và Iran - 1

Máy bay không người lái trong lễ duyệt binh của Iran hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters).

Theo Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Không quân của Iran có khoảng 37.000 quân nhân. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập niên đã khiến nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ quân sự tối tân. 

Về mặt số lượng, lực lượng không quân Iran được cho là chỉ sở hữu vài chục máy bay tấn công còn hoạt động, bao gồm cả tiêm kích do Nga sản xuất và những dòng máy bay cũ của Mỹ được mua trước cuộc cách mạng Iran năm 1979. 

Theo thống kê của IISS, Tehran có các máy bay tiêm kích F-4 và F-5, cường kích Sukhoi Su-24 của Nga, cùng một số chiến đấu cơ MiG-29, F-7 và F-14. 

Không quân nước này cũng sở hữu công nghệ máy bay không người lái (UAV). Các chuyên gia ước tính có khoảng vài nghìn UAV cảm tử trong kho vũ khí của Iran. 

Ngoài ra, họ nhận định, quân đội Iran còn có hơn 3.500 tên lửa đất đối đất, với một số mang đầu đạn trọng lượng đến nửa tấn. Tuy nhiên, số tên lửa thực tế có khả năng tiếp cận Israel ít hơn. 

Tư lệnh Không quân Iran Amir Vahedi tuyên bố hôm 17/4, các máy bay Su-24 đang ở "trạng thái chuẩn bị tốt nhất" trước bất kỳ động thái tấn công nào từ Israel. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào phi đội máy bay có từ những năm 1960 cho thấy sự lép vế của Iran trên bầu trời.  

Để phòng thủ, Iran kết hợp giữa tên lửa đất đối không và hệ thống phòng không do Nga và chính nước này chế tạo. 

Tehran bắt đầu sử dụng hệ thống phòng không S-300 của Nga từ năm 2016. Đây là tên lửa đất đối không tầm xa có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu đồng thời, bao gồm cả máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo. 

Iran cũng có tên lửa đất đối không Bavar-373 được sản xuất nội địa, cũng như hệ thống phòng không Sayyad và Raad. 

Sức mạnh của Không quân Israel 

Đọ sức mạnh trên không giữa Israel và Iran - 2

Máy bay F-15 của Israel (Ảnh: Reuters).

Nếu xảy ra xung đột trên không, Israel sẽ chiếm ưu thế hơn khi sở hữu hàng trăm chiến đấu cơ tiên tiến bậc nhất thế giới như  F-15, F-16 và tiêm kích tàng hình F-35 do quân đội Mỹ cung cấp. 

Chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc bắn hạ UAV nhắm trực tiếp vào lãnh thổ Israel hồi tháng 4.

Tuy nhiên, Không quân Israel lại thiếu máy bay chiến đấu tầm xa. Quân đội nước này đã cố gắng khắc phục bằng việc cải biên một số máy bay Boeing 707 để tiếp nhiên liệu trên không cho phép các tiêm kích của họ vươn tầm hoạt động xa hơn tới Iran. 

Là quốc gia tiên phong trong công nghệ UAV, Israel sở hữu máy bay không người lái Heron có khả năng bay liên tục hơn 30 giờ, đủ cho các hoạt động có phạm vi xa. 

Tên lửa hành trình Delilah có tầm bắn trong phạm vi 250km, chưa thể chạm đến vùng Vịnh Ba Tư, mặc dù lực lượng không quân có thể đưa vũ khí này đến gần biên giới Iran hơn. 

Một nguồn tin cho biết Israel đang phát triển công nghệ tên lửa đất đối đất tầm xa. Israel không công khai xác nhận hay phủ nhận điều này. 

Sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, hệ thống phòng không nhiều lớp phát triển cùng với sự giúp đỡ của Mỹ đã cung cấp cho Israel nhiều lựa chọn vũ khí để bắn hạ UAV và tên lửa tầm xa của Iran. 

Hệ thống tầm cao nhất là Arrow-3, có khả năng tiêu diệt mục tiêu từ ngoài khí quyển Trái đất. Arrow-2, một hệ thống đời cũ, hoạt động ở độ cao thấp hơn. 

Hệ thống đánh chặn tầm trung David's Sling chủ yếu chống lại các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. 

Ngoài ra, hệ thống phòng không Vòm sắt có thể ngăn chặn mục tiêu trong tầm ngắn. Mặc dù vậy, về lý thuyết, cũng có khả năng Vòm sắt được dùng để vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa nào mà Arrow và David's Sling bỏ sót.

Hệ thống phòng không của Israel được thiết kế để kết nối với các hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ trong khu vực, nhằm củng cố khả năng phòng thủ cho liên minh.

Thùy Linh 

Theo Reuters