1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hành trình đào tẩu "sinh tử" của hàng trăm cảnh sát Myanmar kháng quân lệnh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hàng trăm cảnh sát Myanmar đã chọn cách vượt biên sang bên kia Ấn Độ trong một hành trình rủi ro dài hàng trăm km vì họ không muốn thi hành mệnh lệnh chống người biểu tình của quân đội.

Hành trình đào tẩu sinh tử của hàng trăm cảnh sát Myanmar kháng quân lệnh - 1

Cảnh sát Myanmar làm nhiệm vụ (Ảnh: AFP).

Theo Reuters, trong thời gian qua, hàng trăm cảnh sát và lính cứu hỏa Myanmar đã chọn cách đào tẩu khỏi lực lượng, nhằm thể hiện sự bất tuân mệnh lệnh của quân đội trong việc sử dụng vũ lực để chống lại người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2.

Trong cuộc đào thoát bằng xe hơi, xe máy, và cả bằng cách đi bộ băng qua các cánh rừng rậm, những cảnh sát này nhận được sự hỗ trợ của một mạng lưới bí mật gồm các tình nguyện viên và nhà hoạt động ở 2 phía Myanmar và Ấn Độ - đích đến của cuộc vượt biên.

Một số cảnh sát cho biết họ đã quyết định bỏ trốn khỏi Myanmar vì lo sợ bị xử phạt sau khi từ chối tuân theo mệnh lệnh của quân đội nhằm trấn áp người biểu tình.

Hơn 1.000 người đã chạy từ Myanmar qua bang Mizoram, Ấn Độ từ cuối tháng 2. Con số này bao gồm 280 cảnh sát và hàng chục thành viên lực lượng cứu hỏa, theo Reuters.

Họ sử dụng các ứng dụng nhắn tin trên điện thoại, thẻ sim điện thoại ở 2 quốc gia, những chiếc xe jeep và kiến thức về những tuyến đường lắt léo dọc sông Tiau, một dải nước hẹp chảy giữa những ngọn núi thưa thớt chia cắt Ấn Độ và Myanmar.

Một số cảnh sát nói với Reuters rằng họ sợ sẽ bị bỏ tù nếu bị chính quyền quân sự Myanmar bắt lại khi đang bỏ trốn.

"Đó là vấn đề sinh tử", một nhà hoạt động 29 tuổi tên Puia, cho hay. Puia đã hỗ trợ đưa nhiều người từ Myanmar tới thị trấn Champhai ở Mizoram.

Nhiều cảnh sát cho hay họ không muốn tham gia vào nỗ lực giải tán đám đông biểu tình sử dụng đạn cao su, vòi rồng, hơi cay, lựu đạn gây choáng và thậm chí là cả đạn thật.

Hơn 280 người đã thiệt mạng tại Myanmar, gần 2 tháng sau khi làn sóng biểu tình bùng phát nhằm phản đối quân đội đảo chính chính quyền dân sự.

Chính quyền quân sự tuần này đã cáo buộc người biểu tình có hành vi phá hoại và bạo lực, trong khi nhấn mạnh rằng họ cảm thấy "buồn" và "lấy làm tiếc" vì hàng trăm người đã thiệt mạng. Họ cũng tuyên bố dùng ít vũ lực nhất có thể để ứng phó biểu tình.

Tuy nhiên, không phải cảnh sát nào cũng muốn tham gia vào nỗ lực này của quân đội và họ đã kháng quân lệnh khi quyết định sẽ bỏ trốn. Chi phí của một chuyến vượt biên qua Ấn Độ rơi vào khoảng 29 USD tới 143 USD, tùy vào khoảng cách di chuyển. Chi phí này hầu hết để trả cho phương tiện giao thông, như thuê xe hoặc chia tiền đi taxi.

Sự hỗ trợ từ phía Ấn Độ

Hành trình đào tẩu sinh tử của hàng trăm cảnh sát Myanmar kháng quân lệnh - 2

Những công dân Myanmar vượt biên qua Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Thông thường, thành viên của mạng lưới hỗ trợ tại Mirozam sẽ nhận thông tin từ phía Myanmar về thời gian và địa điểm có đoàn người vượt biên. Sau đó, lãnh đạo cộng đồng địa phương ở phía Mirozam sẽ triển khai phương tiện tới khu vực giáp giữa biên giới 2 nước và tìm cách chuyển người bằng tuyến đường len lỏi qua các tiền đồn của lực lượng bán quân sự.

Các bộ tộc ở Mizoram có quan hệ thân thiết với cộng đồng Chin ở Myanmar. Vì vậy, nhiều người trong số họ muốn giúp đỡ cho những người ở bên kia biên giới trốn qua.

Theo Reuters, dòng người từ Myanmar chạy qua Mirozam có thể gây ra thách thức ngoại giao cho Ấn Độ. Chính phủ liên bang Ấn Độ được cho muốn ngăn dòng người đi vào, khi họ chỉ thị các bang siết chặt an ninh ở biên giới.

Tuy nhiên, chính quyền Mirozam lại muốn tiếp tục hỗ trợ những người này. Bộ trưởng bang Mizoram Zoramthanga đã thúc giục chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cấp quyền tị nạn cho "những người tị nạn chính trị" từ Myanmar.

Với một đường biên giới dài hơn 500 km nhưng không yêu cầu thị thực, và người dân 2 bên có diện mạo tương đối giống nhau, nên nhiều vụ đào thoát đã trót lọt.

Một người tên Khaw, tự nhận mình là lính cứu hỏa, cho biết anh đã trải qua hành trình đào tẩu vất vả bằng xe máy và cả đi bộ từ bang Chin để sang được Ấn Độ. 

Khaw nói rằng anh và những người cùng bỏ trốn đã ẩn nấp trong rừng trong nhiều ngày. Họ không thể ngủ với nỗi sợ có thể bị lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ. Khaw vẫn rất lo lắng vì vợ và 4 người con anh bỏ lại ở Myanmar nhưng nói rằng anh sẽ "không quay trở lại" chừng nào quân đội còn dùng biện pháp mạnh đối phó người biểu tình.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar