1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ vì kháng lệnh "bắn người biểu tình"

Minh Phương

(Dân trí) - Nhiều cảnh sát Myanmar đã vượt biên sang Ấn Độ vì không muốn theo lệnh của cấp trên dùng bạo lực với những người biểu tình phản đối đảo chính.

Cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ vì kháng lệnh bắn người biểu tình - 1

Cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường phố Yangon, Myanmar ngày 8/3 (Ảnh: Reuters).

Khi Tha Peng, một cảnh sát Myanmar, được lệnh bắn người biểu tình ở thị trấn Khampat, vùng Sagaing hôm 27/2, anh đã từ chối và tìm cách vượt biên sang Ấn Độ. Ngày hôm sau, một cấp trên tiếp tục gọi cho viên cảnh sát 27 tuổi này yêu cầu anh mạnh tay với người biểu tình phản đối đảo chính, nhưng anh tiếp tục từ chối và xin từ chức.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Tha Peng cho hay, anh quyết định rời quê nhà, di chuyển trong 3 ngày liền, chủ yếu là vào buổi tối để tránh bị phát hiện trước khi vượt biên sang bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ. Tha Peng nói, anh và 6 đồng nghiệp khác đã bất tuân lệnh bắn người biểu tình hôm 27/2.

Trước đó, 4 sĩ quan cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ đã khai với cảnh sát bang Mizoram rằng họ kháng lệnh vì không muốn bắn những người biểu tình ôn hòa.

Tha Peng cho biết, theo quy định, cảnh sát chỉ được phép bắn người biểu tình bằng đạn cao su hoặc bắn dưới đầu gối để ngăn chặn họ. Tuy nhiên, theo lời Tha Peng, cấp trên đã chỉ thị cho anh "bắn đến chết". Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về những thông tin này.

Tha Peng là một trong những cảnh sát đầu tiên của Myanmar vượt biên sang Ấn Độ sau khi kháng lệnh bắn người biểu tình. Một quan chức cấp cao giấu tên của Ấn Độ cho hay, đến nay khoảng 100 người từ Myanmar, chủ yếu là cảnh sát và người thân của họ, đã vượt biên sang Ấn Độ kể từ khi làn sóng biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar nổ ra.

Giới chức quân sự Myanmar tuần trước đã gửi thư cho phía Ấn Độ đề nghị trao trả các cảnh sát vượt biên "để duy trì quan hệ hữu nghị láng giềng". Tuy vậy, Tha Peng nói anh không muốn trở lại Myanmar - nơi làn sóng biểu tình phản đối đảo chính tiếp tục lan rộng.

Làn sóng biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với người biểu tình hơn 1 tháng qua đã khiến hơn 60 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị bắt giữ.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm