Đức từ chối đưa lá chắn Patriot tới Ukraine, Ba Lan thất vọng
(Dân trí) - Ba Lan cho biết nước này sẽ nhận lá chắn phòng không Patriot từ Đức, sau khi Berlin từ chối chuyển tổ hợp này tới Ukraine vì lo ngại căng thẳng leo thang với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 6/12 cho biết, nước này sẽ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Đức đề nghị triển khai tới Ba Lan vào tháng trước.
Đức đưa ra đề xuất trên sau khi một tên lửa từ chiến sự Nga - Ukraine đi lạc xuống một ngôi làng ở Ba Lan, khiến 2 người thiệt mạng. Ba Lan và NATO tin rằng đây là tên lửa phòng không mà Ukraine phóng ra để chặn hỏa lực của Nga.
Bộ trưởng Blaszczak ban đầu nói rằng ông chấp nhận lời đề nghị từ Đức. Nhưng lãnh đạo đảng cầm quyền Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski, đề xuất rằng hệ thống Patriot nên được đặt ở Ukraine. Ông Blaszczak cùng các nhà lãnh đạo Ba Lan khác đã đồng thuận với quan điểm này. Mặc dù vậy, Đức đã bày tỏ sự phản đối.
Ngày 6/12, ông Blaszczak cho biết, ông lấy làm tiếc vì Đức không muốn đặt lá chắn Patriot ở Ukraine.
"Tôi khá thất vọng về quyết định này. Đặt Patriot ở tây Ukraine sẽ giúp củng cố an ninh của Ba Lan và Ukraine", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Quốc phòng Đức và Ba Lan đang tiến hành "các thỏa thuận liên quan đến việc bố trí các bệ phóng ở Ba Lan và kết nối chúng với hệ thống chỉ huy của chúng tôi".
Trước đó, Đức nói tổ hợp Patriot dự kiến cấp cho Ba Lan là một phần của hệ thống phòng không tích hợp của NATO và chỉ được triển khai trên lãnh thổ NATO.
Giới quan sát nhận định, việc NATO đưa Patriot tới sát khu vực xảy ra chiến sự làm dấy lên lo ngại cuộc chiến Nga - Ukraine có thể tràn ra Ba Lan, một quốc gia thành viên của NATO.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu các radar của chúng ta phát hiện ra tên lửa đang bay tới và chúng cần phải được đánh chặn ở không phận Ukraine (để không rơi xuống Ba Lan)?", chuyên gia Jacek Bartosiak từ tổ chức Chiến lược và tương lai (Ba Lan), đặt câu hỏi.
Theo ông Bartosiak, kịch bản tên lửa Patriot từ Ba Lan bay vào không phận Ukraine vẫn có thể xảy ra. Điều này có thể ảnh hưởng tới quan điểm của NATO từ đầu là chỉ hỗ trợ Ukraine vũ khí trong khi bằng mọi giá tránh bị kéo trực tiếp vào cuộc xung đột có thể khiến họ đối đầu với Nga.
Theo New York Times, việc Ba Lan đề xuất Đức chuyển Patriot sang Ukraine cho thấy họ có thể đã suy xét tới những hệ lụy có thể xảy ra.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, tầm bắn từ 70-160 km, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết với trần bay của mục tiêu lên đến 24km.
Patriot có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu từ trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, với tốc độ lúc tấn công mục tiêu của tên lửa lên đến Mach 5, tương đương 6.125km/h. Hệ thống này có thể nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau cùng một lúc và theo sát tối đa 8 mục tiêu liên tục.
Hệ thống tên lửa Patriot gồm 4 tổ hợp: Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống chỉ huy điều khiển, radar cảnh giới, hệ thống dẫn đường. Bốn thành phần này được tích hợp, tạo nên một hệ thống có tính cơ động rất cao.