Đức nêu điều kiện chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
(Dân trí) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Nga hiện chưa sẵn sàng chấp nhận điều kiện để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.
"Chúng ta phải sẵn sàng đảm bảo hỗ trợ (Ukraine) trong thời gian dài", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói hôm 25/3.
"Cơ sở duy nhất cho mọi vấn đề là Nga phải nhận ra rằng họ không thể sáp nhập một phần lớn lãnh thổ Ukraine như họ đang làm bây giờ", ông Scholz nói thêm.
Theo Thủ tướng Đức, chỉ khi Nga nhận thức được điều trên thì mới có thể giải quyết được cuộc xung đột hiện nay.
"Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn chưa sẵn sàng thực hiện bước đi này", ông Scholz nói thêm.
Nhà lãnh đạo Đức khẳng định cuộc chiến ở Ukraine phải kết thúc với sự rút quân của Nga.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, điều quan trọng là giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán trong thời gian sớm nhất.
"Tổng thống Erdogan cho biết ông rất coi trọng nỗ lực hướng tới chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán càng sớm càng tốt", văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đưa ra ý tưởng làm trung gian đàm phán giữa Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức các cuộc hội đàm giữa các phái đoàn Nga và Ukraine.
Zhao Huirong, lãnh đạo phòng nghiên cứu Ukraine tại Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine đòi hỏi nỗ lực từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, vì khả năng chiến đấu của Kiev phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự từ Washington.
"Trong chuyến thăm Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraine và hai bên đã đạt được sự đồng thuận", bà Zhao nói.
Nhà lãnh đạo Nga hoan nghênh thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề và đảm bảo rằng Nga sẵn sàng nối lại đàm phán. "Đó là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng ở Ukraine", chuyên gia Trung Quốc nhận định.
"Tất nhiên, giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là Mỹ, vì Ukraine phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ quân sự từ Mỹ và các đồng minh phương Tây để đạt được hiệu quả chiến đấu. Chỉ bằng cách bắt đầu đàm phán hòa bình và chấm dứt xung đột, một thảm họa nhân đạo lớn hơn mới có thể được ngăn chặn", bà Zhao nói thêm.
Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Bắc Kinh đã công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm vào thời điểm đánh dấu tròn một năm xung đột. Kế hoạch của Bắc Kinh gồm kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như đề xuất đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân, cấm sử dụng vũ khí hóa học, sinh học. Ngoài ra, đề xuất còn bao gồm kêu gọi các bên ngừng bắn, phương Tây dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố xem xét kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nhấn mạnh ưu tiên công thức hòa bình 10 điểm do Kiev đưa ra.