1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Đức: Phương Tây xem xét đặt hạn chót đàm phán hòa bình cho Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Truyền thông Đức đưa tin, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đang xem xét đưa ra "tối hậu thư" đối với Kiev liên quan đến các cuộc đàm phán với Moscow.

Báo Đức: Phương Tây xem xét đặt hạn chót đàm phán hòa bình cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev hôm 20/2 (Ảnh: Reuters).

Báo Bild của Đức đưa tin, với nguồn cung cấp vũ khí mới, Mỹ và các đồng minh muốn cung cấp cho Kiev "động lực" để cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga kiểm soát, đồng thời cho biết phương Tây muốn thấy kết quả này vào mùa thu.

Theo truyền thông Đức, Kiev có thời hạn đến mùa thu để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất, nếu không phương Tây sẽ gây sức ép buộc Ukraine phải đàm phán với Nga.

"Nếu cuộc phản công thất bại, áp lực buộc Kiev phải đàm phán với Điện Kremlin sẽ tăng lên", báo Đức cho biết.

Trước đó, Wall Street Journal đưa tin Anh, Pháp và Đức được cho là đã cung cấp vũ khí cho Kiev và các cam kết an ninh theo một kế hoạch nhằm thúc đẩy Kiev đàm phán với Moscow. Tuần trước, truyền thông Mỹ cho biết London, Berlin và Paris được cho là sẵn sàng đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine dù nước này chưa phải là thành viên NATO.

Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết, một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có Anh, Đức, Pháp đang thuyết phục Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Kế hoạch do Anh đưa ra bao gồm mở rộng cam kết viện trợ và đảm bảo an ninh cho Kiev. Pháp và Đức ủng hộ sáng kiến trên và coi đó là cách để "thúc đẩy niềm tin của người Ukraine", cho họ động lực để bắt đầu đàm phán với Nga.

Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai kêu gọi hỗ trợ quân sự giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, buộc Nga phải trở lại bàn đàm phán, nhưng ở phía sau hậu trường, ông được cho là khuyên người đồng cấp Zelensky đưa ra "những quyết định khó khăn".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khuyến khích Tổng thống Ukraine tham gia các cuộc đàm phán với Moscow vào đầu tháng 2. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó đã thừa nhận rằng Moscow đang chiến thắng trong cuộc chiến hậu cần. Ông cũng cho biết không rõ khối có thể chi bao nhiêu để hỗ trợ quân sự thêm cho Kiev.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis ngày 22/2 nói rằng, các cuộc đàm phán bí mật giữa Nga và Ukraine đang được tiến hành trên lãnh thổ Thụy Sĩ. Nhà ngoại giao Thụy Sĩ mô tả đây không phải các cuộc gặp cấp cao, đồng thời khẳng định Thụy Sĩ sẵn sàng cung cấp địa điểm để quan chức cấp cao hai nước gặp gỡ, đàm phán.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ thông tin trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 25/2 cho biết: "Theo những gì tôi biết, các nhà ngoại giao Nga, đại diện chính quyền và chính phủ đang không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán cấp cao hay ở bất kỳ cấp độ nào khác với Ukraine".

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai, song tiếp tục giằng co trong khi triển vọng hòa đàm bế tắc. 

Nga khẳng định rằng, họ sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện tại nhưng với điều kiện phương Tây phải ngừng viện trợ quân sự cho Kiev và Ukraine phải thừa nhận thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là công nhận các vùng Nga sáp nhập.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố chỉ hòa đàm khi Nga rút hết quân và khôi phục lại đường biên giới của Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm 4 vùng mà Moscow mới sáp nhập và cả bán đảo Crimea.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine