1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điều gì xảy ra nếu Catalonia đơn phương tách khỏi Tây Ban Nha?

(Dân trí) - Nếu đơn phương tách khỏi Tây Ban Nha, Catalonia có thể đạt được mục tiêu trước mắt về lợi ích kinh tế, song phía trước họ sẽ là một tương lai đầy thử thách.


Lãnh đạo Catalonia cho biết, khu vực này sẽ đơn phương tuyên bố độc lập vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau. (Ảnh minh họa: Reuters)

Lãnh đạo Catalonia cho biết, khu vực này sẽ đơn phương tuyên bố độc lập vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau. (Ảnh minh họa: Reuters)

Đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 9/10?

Sau cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần trước, lãnh đạo Catalonia, ông Carles Puigdemont, cho biết vùng này sẽ tuyên bố độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.

AFP dẫn nguồn thạo tin chính quyền Catalonia cho biết, phiên họp quốc hội của Catalonia dự kiến được triệu tập vào ngày 9/10 tới. Do vậy, đây có thể là thời điểm Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.

Ông Puigdemont dường như muốn để ngỏ cơ hội thương lượng cuối cùng trước khi tuyên bố tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha. Ông ấy sẵn sàng “ngưng mọi thứ” nếu chính quyền Tây Ban Nha có thiện chí đối thoại về một cuộc trưng cầu dân ý được coi là hợp pháp.

Tuy nhiên, chính quyền Madrid có lẽ sẽ không làm vậy bởi vốn coi cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia là vi hiến.

Và như vậy, nếu ông Puigdemont quyết định tuyên bố Catalonia độc lập, một quá trình chuyển tiếp có thể sẽ bắt đầu.

Cái giá của tự do


Những người biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 2/10. (Ảnh: PBS)

Những người biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát ở Barcelona, Tây Ban Nha hôm 2/10. (Ảnh: PBS)

Catalonia là một trong những vùng đất giàu có nhất của Tây Ban Nha. Với dân số chỉ chiếm khoảng 16% dân số Tây Ban Nha, nhưng vùng này đóng góp khoảng 1/5 GDP và hơn1/4 kim ngạch xuất khẩu.

Catalonia cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Tây Ban Nha, với khoảng 18 triệu lượt khách lựa chọn Catalonia năm ngoái.

Xứ Catalonia đóng góp ngân sách thuế nhiều hơn giá trị phúc lợi mà họ được nhận lại.

Nếu đơn phương tách khỏi Tây Ban Nha, Catalonia chắc chắn sẽ hưởng lợi trước mắt khi họ có thể tự chủ nền kinh tế giàu có của mình, giảm gánh nặng mà họ phải san sẻ với các khu vực khác ở Tây Ban Nha do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, cái giá để Catalonia phải trả để ly khai cũng không hề nhỏ khi trước mắt họ sẽ là hàng loạt thách thức với một nhà nước non trẻ như làm thế nào để đảm bảo các vấn đề như an ninh, kiểm soát biên giới, không phận, quản lý tài chính…

Điều đáng lo ngại hơn có lẽ là vấn đề nợ công của Catalonia. Theo tính toán mới nhất, chính quyền Catalonia hiện gánh khoản nợ khoảng 77 tỷ Euro, tương đương hơn 35% GDP, trong số đó 55 tỷ Euro nợ chính phủ Tây Ban Nha.

Năm 2012, chính phủ Tây Ban Nha đã lập ra một quỹ đặc biệt để cấp tiền mặt cho các khu vực không thể vay nợ trên các thị trường quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính. Đến nay, Catalonia là người hưởng lợi nhất từ chương trình này, nhận tổng cộng 67 tỷ Euro từ quỹ cứu trợ kể từ khi quỹ ra đời.

Điều này không những làm dấy lên câu hỏi liệu Catalonia có được sử dụng quỹ cứu trợ này nữa không, mà còn câu hỏi liệu Catalonia có sẵn sàng hoàn lại số tiền đã nhận cứu trợ sau độc lập hay không.

Tây Ban Nha sẽ không làm ngơ


Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy (Ảnh: Reuters)

Xét về khía cạnh chính trị, tình hình hiện nay ở Catalonia là vấn đề phức tạp với chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy. Ông đang chịu sức ép từ phía cử tri phải bằng mọi cách ngăn Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha.

“Thời kỳ mời gọi đối thoại nhã nhặn đã hết,… đến lúc chính phủ cần ngăn chặn những người có ý tưởng ly khai”, nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha bình luận ngày 4/10.

“Đã đến lúc đối thoại, tìm cách hóa giải bế tắc theo quy định của hiến pháp Tây Ban Nha”, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans hối thúc.

Tuy nhiên, hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép một cuộc trưng cầu dân ý độc lập như mong muốn của Catalonia. Do đó, chính quyền Madrid có thể đang cân nhắc các biện pháp ứng phó khác.

Giới quan sát cho rằng, nếu cần thiết, chính quyền Madrid có thể kích hoạt điều khoản 155 của Hiến pháp, cho phép họ nắm toàn quyền kiểm soát khu tự trị Catalonia nếu không tuân thủ nghĩa vụ theo quy định.

Minh Phương

Theo BBC, Guardian, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm