1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Catalonia và nguy cơ ly khai ở châu Âu

Cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia đang đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha và có thể kích thích làn sóng ly khai ở nhiều khu vực châu Âu hiện nay.

Catalonia - “cái gai” ly khai của Tây Ban Nha

Mặc dù bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha cấm, nhưng cuộc trưng cầu ý dân về quyền độc lập ở Catalonia vẫn diễn ra ngày chủ nhật (1/10).


Một người biểu tình đem cờ ly khai lên ban công tòa nhà Bộ kinh tế của Catalonia. (ảnh: Reuters)

Một người biểu tình đem cờ ly khai lên ban công tòa nhà Bộ kinh tế của Catalonia. (ảnh: Reuters)

Kết quả bỏ phiếu cho thấy trên 90% người bỏ phiếu ủng hộ độc lập cho Catalonia. Tuy nhiên, số người tham gia bỏ phiếu chỉ đạt tỷ lệ hơn 42%, tương đương 2 triệu trong số trên 5 triệu cử tri đủ điều kiện, do sự cấm đoán của chính quyền trung ương.

Người đứng đầu khu vực Catalonia, Carles Puigdemont ngày 2/10 tuyên bố vùng Catalonia đã giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân này và khẳng định rằng người Catalonia có quyền quyết định tương lai của mình, và người Catalonia muốn tự do, sống trong hòa bình mà không có bạo lực.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khẳng định Catalonia là một bộ phận không thể tách rời Tây Ban Nha và người dân vùng Catalonia đã bị lừa dối khi bị cuốn hút vào cuộc trưng cầu ý dân này. Ông Rajoy cũng cho rằng chính quyền vùng Catalonia nên chấm dứt việc đi theo con đường mà “chẳng hề dẫn đến đâu cả”.

Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha thì trước đó đã ra phán quyết cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia là vi hiến, đồng thời đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của Liên minh châu Âu (EU).

Sự kiện này đang gây chia rẽ và biến động mạnh mẽ trong xã hội Tây Ban Nha. Có nhiều người ủng hộ cuộc trưng cầu, song cũng có không ít người phản đối sự kiện này.

Ngay trong ngày bầu cử, khi những người ủng hộ tập trung tại thủ phủ Barcelona, vẫy cờ và hát "quốc ca" Catalonia thì đồng thời, cũng ở Barcelona, và nhiều thành phố khác của Tây Ban Nha, lại có các cuộc biểu tình phản đối cuộc trưng cầu.

Đụng độ đã xảy ra giữa hai nhóm người ủng hộ và phản đối khiến hàng trăm người bị thương, nhiều người đã bị bắt giữ.

Khẳng định ý chí của mình, ngày 3/10 Catalonia đã tổ chức một cuộc tổng đình công theo lời kêu gọi của chính quyền và các công đoàn khu vực với sự tham gia của hàng trăm nghìn người khiến thành phố Barcelona gần như tê liệt.

Hiện, vẫn chưa thể khẳng định kịch bản nào sẽ diễn ra, dù đa số giới phân tích đều cho rằng các quan chức ly khai Catalonia đang muốn kéo dài thời gian nhằm gây sức ép, mặc cả, đòi chính quyền trung ương trao quyền tự quyết lớn hơn, nhưng chưa tới mức "độc lập".

Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, có ngôn ngữ, văn hóa riêng. Vùng này chiếm 20% tổng sản phẩm quốc dân (GDP), 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và thu hút 20,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Tây Ban Nha.

Là một trong 17 vùng tự trị của Tây Ban Nha, trong quá khứ quan hệ giữa Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha từng có nhiều thời điểm căng thẳng. Các bất đồng trở nên gay gắt hơn kể từ năm 2010, khi nhiều điều liên quan đến quyền tự trị của Catalonia bị bãi bỏ sau đợt cải cách Hiến pháp Tây Ban Nha.

Mồi lửa thổi bùng làn sóng ly khai châu Âu?

Cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia đang đe dọa sự thống nhất của Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn lớn thứ 4 trong Liên minh châu Âu. Đồng thời, sự kiện này cũng ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của Liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung - Eurozone.

Cuộc trưng cầu ý dân này có thể trở thành mồi lửa kích thích làn sóng ly khai, tiềm ẩn ở nhiều khu vực châu Âu hiện nay, như Scotland và Bắc Ailen ở Anh; đảo Corse ở Pháp; xứ Basque (một khu vực giữa Tây Ban Nha và Pháp); miền Bắc Italia; xứ Sicule (Rumania); quần đảo Fraoe (Đan mạch)...

Những người chủ trương đòi độc lập cho Catalonia đã nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo có tư tưởng ly khai ở không ít nơi trong châu Âu.

Trong tuần qua, Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon đã lên tiếng kêu gọi tôn trọng "quyền tự quyết" của nhân dân Catalonia. Đại diện của trào lưu dân tộc chủ nghĩa vùng Flander (vùng nói tiếng Hà Lan) tại Bỉ, Geert Bourgeois, cũng lên tiếng ủng hộ những người ly khai Catalonia và đòi có "trung gian quốc tế" để giải quyết cuộc khủng hoảng cộng đồng hiện nay ở Tây Ban Nha.

Lãnh đạo Liên minh châu Âu chắc chắn không thích thú gì trước làn sóng này, bởi lo ngại các tác động xấu tới sự thống nhất của Liên minh, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng của sự kiện Brexit và đà phát triển của phong trào cực hữu, dân túy.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1/10 và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/10, cùng một số lãnh đạo EU đã bày tỏ mối quan ngại trước tình hình ở Catalonia, tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong việc bảo vệ sự thống nhất của Tây Ban Nha.

Theo Thái Dương

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm