1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Catalonia đòi độc lập: Tiền lệ nguy hiểm ở châu Âu

Nếu xứ Catalonia đòi độc lập thành công đó có thể tạo thành tiền lệ nguy hiểm làm dấy lên cơn sốt ly khai tại châu Âu. Đây chính là điều mà nhiều lãnh đạo các nước châu Âu đang đau đầu nhất hiện nay.


Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Về cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia

Chính quyền vùng Catalonia thông báo khoảng 2,26 triệu người đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha vào ngày 1/10, và có 90% người tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ quyết định này.

Số lượng người tham gia bỏ phiếu chiếm khoảng 42,3% trong tổng số 5,34 triệu cử tri vùng Catalonia.

Ngày 2/10, người phát ngôn chính quyền vùng Catalonia, ông Jordi Turull cho biết nghị viện Catalan sẽ quyết định về tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 1/10.

Trả lời câu hỏi về việc nghị viện Catalonia có đơn phương tuyên bố độc lập hay không, ông Turull nói: "Chúng tôi sẽ gửi những kết quả này tới người dân và nghị viện Catalonia và thực tế việc thực hiện quyết định này sẽ tùy thuộc vào nghị viện Catalonia".

Trước đó ngày 1/10, lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont cho biết kết quả của cuộc bỏ phiếu về độc lập nói trên sẽ được chuyển cho nghị viện Catalonia để tiến hành thêm các thủ tục phù hợp với luật trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy cho rằng không có cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập của vùng Catalonia. Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 1/10, ông Rajoy khẳng định rằng người dân vùng Catalonia đã bị lừa dối và không hề có cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập cho vùng này trong cùng ngày.

Theo Thủ tướng Rajoy, hầu hết người dân Catalonia đã không muốn tham gia vào cuộc trưng cầu ý dân mà chính quyền vùng lên kế hoạch tổ chức. Ông Rajoy cũng nhắc lại rằng các lãnh đạo vùng Catalonia biết rõ cuộc bỏ phiếu này là bất hợp pháp, nhưng họ vẫn tiếp tục tiến hành.

Bình luận về những thông tin mới nhất về việc đã xảy ra các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình trong cuộc bỏ phiếu, ông Rajoy đã bày tỏ lời cảm ơn đến các cơ quan thực thi luật pháp vì đã thực hiện bổn phận của mình.

Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài.

Vấn đề Catalonia nếu không được dập tắt sẽ có nguy cơ đe dọa đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng như của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, do Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nên những bất ổn ở Catalonia cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Tây Ban Nha nói riêng và kinh tế của Eurozone nói chung.

Tiền lệ nguy hiểm ở châu Âu

Vấn đề Catalonia đòi độc lập đã trở nên không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với Liên minh châu Âu (EU). Ngay từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, các thành viên chủ chốt của EU ở những mức độ khác nhau đã thể hiện thái độ quan ngại trước vấn đề xứ Catalonia đòi độc lập.

Chia sẻ quan điểm ủng hộ Chính phủ Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic nhấn mạnh Tây Ban Nha là một trong những người bạn lớn của Serbia và Madrid đang ở "tình thế giống với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Đông Nam Âu này.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập ở Catalonia là hành động trái với Hiến pháp Tây Ban Nha. Ông Boris Johnson bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Catalonia, đồng thời thể hiện mong muốn "luật pháp và Hiến pháp Tây Ban Nha phải được tôn trọng".

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Ramon Luis Valcarcel nhấn mạnh: “Tây Ban Nha đang đối mặt với thách thức lớn nhất từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 23/2/1981. Nền dân chủ non trẻ sau đó nằm trong tay họ. Tuy nhiên, ngày nay họ là một phần hợp nhất của Liên minh châu Âu, vốn tôn trọng và bảo vệ bản sắc dân tộc và các cấu trúc hiến pháp của mọi quốc gia thành viên. Một cuộc tấn công vi hiến nhằm vào bất kỳ thành viên nào cũng đều là một cuộc tấn công nhằm vào toàn bộ liên minh”.

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans nhấn mạnh, người dân của một nước thành viên EU phải tuân thủ luật pháp và hiến pháp nước đó, dù có thích hay không, đó là nguyên tắc pháp trị. Theo ông Timmermans, bất kỳ hành động nào diễn ra ở một nước thành viên EU đều phải hợp hiến.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán về việc Anh rút khỏi EU của Nghị viện châu Âu, ông Guy Verhofstadt khẳng định ông không muốn can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha, song ông hoàn toàn lên án sự việc đã diễn ra tại Catalonia.

Mặc dù, cố gắng tránh đưa ra lập trường về việc độc lập của Catalonia, tuy nhiên, chính phủ Bỉ vẫn thể hiện thái độ bằng cách lặp lại quan điểm mà cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi vào năm 2004 đã nói rõ: một nhà nước ra đời từ ly khai trong lòng Liên minh châu Âu hiển nhiên sẽ không được coi là một bộ phận của Liên minh.

Pháp, vốn có không ít nỗi lo về phong trào ly khai ở một số vùng, như xứ Basque hay đảo Corse, tỏ ra thận trọng với cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng phương Nam. Paris kêu gọi một cách chung chung “tôn trọng khuôn khổ thể chế Tây Ban Nha” hay hành động “theo đúng Hiến pháp Tây Ban Nha”.

Giới phân tích cho rằng, dù thế nào đi nữa thì Chính phủ Tây Ban Nha cũng kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp này và sẽ không bao giờ công nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu.

Xét trên phương diện pháp lý, đây là cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp, căn cứ vào 2 điểm sau.

Thứ nhất, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy, còn chính quyền vùng không có thẩm quyền trong việc này.

Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật của EU, không hề có điều khoản nào hỗ trợ về mặt pháp lý cho một cuộc trưng cầu ý dân như ở Catalonia.

Ông Jérémy Dodeigne, Giáo sư Khoa Chính trị Đại học Namur, Bỉ nhận định: “Cuộc khủng hoảng ở Catalonia đã quá sâu và sẽ là quá nguy hiểm cho Liên minh châu Âu nếu can dự vào vì rõ ràng lúc này đây là vấn đề quá nhạy cảm”. Trong quá khứ gần đây, ngoại trừ Madrid thì hầu hết các thủ đô trong Liên minh châu Âu đã thừa nhận nền độc lập của Kosovo sau hơn một thập kỷ giằng co giữa nhiều quốc gia trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Balkan.

Chuyên gia chính trị, quan hệ quốc tế Rumani, ông Dan Dungaciu cho rằng “việc thừa nhận Catalonia độc lập sẽ tạo ra một tiền lệ kinh khủng trong Liên minh châu Âu”, các phong trào đòi ly khai có ở khắp nơi trong các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thấy một tấm gương sử dụng công cụ dân chủ để đạt mục tiêu ly khai.

Bình luận về những diễn biến tại Catalonia, tờ The Globe and Mail cho rằng “cuộc đảo chính nhằm vào nền dân chủ Tây Ban Nha chính là một cuộc đảo chính đối với châu Âu”.

Trong khi đó, tờ Financial Times cũng cho rằng công cuộc ly khai của Catalonia là điều không hề có lợi cho cả Tây Ban Nha và châu Âu. Tờ báo này cho rằng dù Thủ tướng Rajoy có quyền dùng luật và những biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn mục tiêu của Catalonia song sẽ là khôn ngoan hơn nếu Chính quyền Madrid lựa chọn một cách hành xử kiềm chế, tránh kích động những mâu thuẫn chỉ có lợi cho các lập luận của lực lượng ủng hộ ly khai.

Mâu thuẫn giữa chính quyền khu vực tự trị Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha nảy sinh sau khi Catalonia công bố kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập cho vùng lãnh thổ này. Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu.

Lựa chọn hợp lý nhất ở thời điểm này có lẽ là thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa chính quyền Madrid và xứ Catalonia, dựa trên khuôn khổ luật pháp, để tìm lối thoát hợp lý nhất cho cuộc khủng hoảng.

Theo Đức Thức

Tiền phong