"Địa ngục trần gian" trong các bệnh viện ở chảo lửa Gaza
(Dân trí) - Covid-19 khiến hệ thống y tế mong manh ở Dải Gaza vất vả chống chọi, nhưng giao tranh giữa Hamas và Israel những ngày qua giáng thêm đòn chí mạng, khiến các bệnh viện tại đây có nguy cơ "vỡ trận".
Chỉ vài tuần trước, hệ thống y tế thiếu thốn của Dải Gaza đã phải gồng mình trước số lượng ca Covid-19 tăng vọt. Chính quyền biến hầu hết các phòng phẫu thuật thành nơi đặt giường bệnh, đình chỉ các nghiệp vụ không cần thiết, và triển khai bác sĩ tới hỗ trợ các bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, từ ngày 10/5, bom bắt đầu dội xuống. Israel tiến hành các vụ không kích vào hàng trăm mục tiêu ở dải đất hẹp nằm sát Địa Trung Hải nhằm đáp trả việc nhóm vũ trang Hamas của người Palestine dội hơn 1.000 tên lửa về phía Nhà nước Do Thái.
Giao tranh dữ dội giữa Israel và Hamas đã khiến 103 người Palestine thiệt mạng, gồm 27 trẻ em, và làm bị thương 530 người tại vùng lãnh thổ gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, thiếu thốn và có mật độ dân cư dày đặc. Các cuộc không kích của Israel đã phá hủy các khu căn hộ, tòa nhà dân sinh, xe hơi.
Thương vong quá lớn so với nền y tế mong manh tại Dải Gaza đã buộc các bác sĩ ở đây phải phân bổ lại nguồn lực, khi vừa phải lo các khu vực chăm sóc tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa phải đối diện với một cuộc khủng hoảng y tế khác đang diễn ra song song: chữa trị bệnh nhân bị thương do đạn nổ và mảnh đạn, băng bó vết thương và thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tay, chân.
Các thân nhân không thể chờ đợi xe cứu hỏa, họ vội vã đưa người bị thương tới bằng xe hơi hoặc bằng cách khiêng bộ tới bệnh viện Shifa, cơ sở y tế lớn nhất tại Gaza. Các bác sĩ "chạy như con thoi" điều trị hết bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, nhưng số người cần hỗ trợ y tế vẫn không ngừng gia tăng.
Hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ
Tại thị trấn Jabaliya, cơ sở y tế hoạt động trong tình trạng quá tải sau khi bom rơi xuống các khu vực gần đó. AP mô tả cảnh tượng tại đây vô cùng kinh hoàng, với máu chảy khắp nơi, nạn nhân nằm la liệt trên sàn nhà hoặc hành lang. Thân nhân đứng kín đặc phòng cấp cứu, bật khóc khi chứng kiến người bệnh đau đớn.
"Trước vụ giao tranh, chúng tôi đã thiếu thốn trăm bề và gần như khó trụ vững trước làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. Giờ đây, thương vong đến từ mọi phía và toàn là các ca nguy kịch. Tôi lo sợ kịch bản hệ thống y tế sẽ hoàn toàn sụp đổ", quan chức cơ quan y tế tại Gaza Abdelatif al-Hajj trả lời AP qua điện thoại, khi tiếng bom vẫn đang nổ ầm ầm xung quanh ông.
Hàng năm trời xung đột kéo dài, hệ thống y tế nghèo nàn ở khu vực dải đất bé nhỏ nhưng có tới 2 triệu người sinh sống luôn ở trong tình trạng mong manh, dễ tổn thương. Họ luôn trong tình trạng thiếu thiết bị y tế như túi máu, đèn phẫu thuật, kháng sinh, thuốc gây mê. Thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở, bình ôxy thậm chí còn khan hiếm hơn.
Tháng trước, số ca Covid-19 mới và số người tử vong trong 24 giờ ở Gaza đã tăng kỷ lục. Khu vực 2 triệu dân này ghi nhận 105.700 ca bệnh và 976 người chết. Tuy nhiên, các con số này có thể không phản ánh đúng quy mô của dịch bệnh vì các biện pháp xét nghiệm hiện vẫn còn hạn chế.
Trên khắp dải đất hẹp, các nhân viên y tế vốn đang quay cuồng với việc chữa trị bệnh nhân Covid-19, nay phải tiếp tục chuyển sang chữa cho số lượng bệnh nhân thương vong tăng vọt trong vài ngày qua. Giám đốc bệnh viện European ở thị trấn Khan Younis, Yousef al-Akkad, cho biết họ đã huy động toàn bộ lực lượng và nếu xung đột bùng phát, cơ sở này sẽ "vỡ trận".
"Chúng tôi chỉ có 15 giường chăm sóc tích cực, và thứ duy nhất tôi có thể làm lúc này cầu nguyện. Tôi cầu mong các cuộc không kích sẽ kết thúc", ông al-Akkad nói.
Tại Shifa, các bệnh nhân gẫy xương, thương tích nặng nằm bẹp đau đớn giữa những tiếng máy móc. Bên cạnh họ, các thân nhân vẫn chưa hoàn hồn về vụ tấn công ngày 13/5.
"Khoảng 12 người ngã xuống trong một cuộc tấn công lúc 18h. Một số bị chết, gồm 2 anh họ và em gái tôi", nhân chứng Atallah al-Masri, 22 tuổi, kể lại.
Giám đốc bệnh viện Shifa cho biết, hệ thống y tế ở Gaza gần như đã không phát triển trong 14 năm qua do các lệnh cấm vận với dải đất này. Máy móc ở đây hầu hết đã cũ kỹ và cũng không thể gửi ra thế giới bên ngoài để sửa chữa.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi "bom rơi, đạn lạc" đã đánh trúng 2 cơ sở y tế ở phía bắc Gaza hôm 11/5. Hàng chục trung tâm y tế quy mô nhỏ chuyên thực hiện xét nghiệm Covid-19 phải đóng cửa. Tuần này, phía Gaza chỉ làm được 300 xét nghiệm một ngày, giảm mạnh so với mức 3.000 trước khi giao tranh diễn ra.