Dàn vũ khí tạo nên uy lực răn đe hạt nhân của Nga
(Dân trí) - Kho khí tài gồm hàng nghìn vũ khí hạt nhân giúp Nga duy trì sức mạnh răn đe với các đối thủ trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/2 đã yêu cầu lực lượng răn đe hạt nhân của nước này chuyển sang tình trạng cảnh giác cao, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây không ngừng leo thang thời gian qua liên quan tới tình hình Ukraine.
Ngay sau đó, Mỹ và NATO đã lên tiếng chỉ trích động thái này của ông Putin. Theo giới quan sát, phản ứng này là dễ hiểu khi Nga là cường quốc hạt nhân và họ cùng Mỹ là 2 quân đội sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới.
Nga có bao nhiêu vũ khí hạt nhân?
Nga có 1.500 đầu đạn hạt nhân được triển khai, và 3.000 đầu đạn dự trữ, theo một nghiên cứu của tạp chí chuyên về hạt nhân. Nga đã phát triển hàng loạt phương tiện có khả năng triển khai các đầu đạn này, bao gồm tên lửa đạn đạo mặt đất, tên lửa phóng từ tàu ngầm, bom và tên lửa có thể phóng đi từ máy bay.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân. Nga cùng với Mỹ sở hữu 90% đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Một số quốc gia còn lại sở hữu số vũ khí hạt nhân ít hơn hẳn 2 cường quốc trên là Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Israel được cho có vũ khí hạt nhân, nhưng họ chưa bao giờ xác nhận thông tin này. Các quốc gia trên thường khẳng định kho vũ khí hạt nhân của họ là nhằm răn đe đối thủ không tấn công họ trước.
Theo các nguồn tin, Nga hiện có những vũ khí "khủng" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như tên lửa hạng nặng R-36M2, tên lửa siêu vượt âm Avangard có khả năng bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, hơn 100 tổ hợp Topol gồm phóng từ mặt đất và phóng từ giếng phóng, các tổ hợp tên lửa RS-24. Họ cũng có các vũ khí uy lực mang tên lửa hạt nhân như các máy bay ném bom, dàn tàu ngầm hiện đại...
Động thái ngày hôm qua của ông Putin bị phương Tây chỉ trích, nhưng theo giới chuyên gia, trên thực tế Tổng thống Nga chưa đưa ra bất cứ cảnh báo nào về việc Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Chỉ thị của ông về việc lực lượng răn đe hạt nhân nâng cao cảnh giác chưa phải là mức cao nhất và không có gì rõ ràng để kết luận ông có kế hoạch triển khai các vũ khí này. Mặc dù vậy, trước đó, Tổng thống Nga từng cảnh báo các nước hỗ trợ Ukraine rằng sẽ có "những hậu quả" mà họ chưa bao giờ chứng kiến.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Putin ngày 19/2 đã kích hoạt cuộc tập trận chiến lược với sự tham gia của vũ khí hạt nhân. Nga mô tả cuộc tập trận thành công khi họ đã thể hiện được uy lực của kho vũ khí.
Theo Wall Street Journal, Mỹ từ lâu đã có chiến lược sẵn sàng cho cuộc xung đột hạt nhân với đối thủ Nga. Họ đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống vũ khí có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo có thể mang vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo báo Mỹ, các hệ thống này được xem là có tỷ lệ đánh chặn thành công ở mức không quá cao và các tên lửa của Nga vẫn có khả năng đe dọa tới những hệ thống này.
Nga triển khai vũ khí hạt nhân khi nào?
Năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Moscow khẳng định chính sách hạt nhân của nước này mang tính phòng vệ.
Học thuyết của Nga đã vạch ra những kịch bản có thể dẫn tới việc họ cân nhắc "bấm nút" vali hạt nhân. Theo đó, Nga sẽ hành động nếu có tên lửa đạn đạo được bắn vào lãnh thổ của Nga hoặc đồng minh; khi đối thủ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Nga ; hoặc tấn công vào địa điểm vũ khí hạt nhân của Nga; hoặc thực hiện đòn tấn công đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga.
Nga cũng đặt ra các tình huống mà nước này sẵn sàng áp dụng các biện pháp có tính cực đoan, gồm việc họ "nhận được các thông tin đáng tin cậy về việc có tên lửa đạn đạo triển khai để tấn công lãnh thổ Nga và các đồng minh", cũng như "đối thủ triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm vào Nga và các đồng minh".
Ngoài ra, lệnh triển khai vũ khí hạt nhân sẽ được đưa ra khi có một "cuộc tấn công của đối thủ nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga, trong đó việc các cơ sở này bị phá hủy có thể gây gián đoạn phản ứng hạt nhân" của Nga; hoặc các hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nước Nga.
Theo hãng tin Al Jazeera, không có bất cứ tiêu chí nào được nêu trên phù hợp với các diễn biến thực tế đang diễn ra ở Ukraine.
Hơn nữa, Nga đã cùng 4 thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 1 đã ký một văn bản khẳng định rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ nên được tiến hành".