1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Putin bất ngờ đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động cao

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin hôm nay 27/2 ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa từ NATO.

Tổng thống Putin bất ngờ đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng báo động cao - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS).

"Giới chức cấp cao ở các nước dẫn dắt NATO đã đưa ra các tuyên bố gây hấn chống lại đất nước chúng ta, do đó, tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga chuyển lực lượng răn đe của quân đội Nga sang chế độ đặc biệt về nhiệm vụ chiến đấu", TASS dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp hôm nay với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov.

Hiện chưa rõ "chế độ đặc biệt" mà Tổng thống Putin đề cập đến bao gồm những yêu cầu nào, song nó làm dấy lên lo ngại căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể vượt kiểm soát, kéo theo một cuộc chiến hạt nhân.

Tại cuộc họp, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, các nước phương Tây đã có những hành động thiếu thân thiện chống lại Nga cả về khía cạnh kinh tế. "Tôi muốn đề cập đến các lệnh trừng phạt bất hợp pháp", chủ nhân Điện Kremlin nói.

Phản ứng về động thái của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng, mệnh lệnh đó là một cách nhằm tăng sức ép lên phái đoàn của Ukraine tại cuộc đàm phán dự kiến diễn ra ngày 28/2 tại Gomel ở biên giới Ukraine - Belarus.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận định, đây là một động thái leo thang nữa của Moscow, đồng thời cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng đương đầu, chúng tôi có khả năng tự bảo vệ mình".

Mệnh lệnh của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng. Hôm 25/2, các lãnh đạo NATO đã nhóm họp trực tuyến để lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, NATO đề nghị Nga "lập tức ngừng các hành động tấn công quân sự, rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine ".

Liên minh quân sự này cũng tuyên bố sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo an ninh cho các đồng minh, trong đó có việc triển khai thêm các lực lượng trên bộ, trên không ở Đông Âu, và các lực lượng hải quân ở khắp khu vực. Lãnh đạo NATO và các nước đồng minh cho biết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác cho Ukraine.

Trong một nỗ lực nhằm gây sức ép lên Nga, vài ngày gần đầy, các nước phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt lên Moscow, trong đó có lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân Tổng thống Putin và lệnh đóng cửa không phận với máy bay của Nga.

Cuối tuần này, các nước phương Tây cũng nhất trí Lãnh đạo NATO và các nước đồng minh cho biết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác cho Ukraine. Đây là một trong số các lệnh trừng phạt tài chính bổ sung được công bố trong tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada.

Loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT là một biện pháp trừng phạt cứng rắn mà các nước phương Tây đã mất một thời gian dài "nâng lên, đặt xuống". Lệnh trừng phạt này khiến các định chế tài chính của Nga về cơ bản không thể tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia khác, nhất là những nước chịu phụ thuộc vào Nga về năng lượng hay lương thực.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine