Đặc phái viên của ông Trump: Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho Nga về Ukraine
(Dân trí) - Quan chức Mỹ cho rằng, lời hứa của phương Tây về tư cách thành viên NATO cho Kiev là một phần nguyên nhân gây ra cuộc giao tranh đã kéo dài 3 năm qua.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff (Ảnh: Reuters).
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff, nhận định cuộc chiến Nga - Ukraine đã bị kích động từ bên ngoài và việc đổ trách nhiệm hoàn toàn cho Nga là không đúng.
Theo ông, Nga đã hành động vì phương Tây hứa hẹn kết nạp Ukraine vào NATO, điều mà Moscow coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
Ông Witkoff đưa ra nhận định này trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ khi ông được hỏi liệu Washington có đang đứng về đúng bên khi tổ chức các cuộc đàm phán với Moscow thay vì tiếp tục viện trợ cho Kiev hay không.
Tình hình không đơn giản chỉ là "trắng hay đen" với Nga là "người xấu", ông Witkoff cho biết.
"Cuộc chiến này không cần thiết phải xảy ra, nó đã bị kích động. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là nó do Nga kích động", ông cho hay.
Theo ông Witkoff, "đã có nhiều cuộc thảo luận… về việc Ukraine gia nhập NATO" trước khi xung đột nổ ra và Moscow xem đây là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của mình, buộc họ phải đáp trả.
Quan chức Mỹ này cũng đề cập đến việc Nga sẵn sàng nhanh chóng chấm dứt xung đột thông qua đàm phán, nhấn mạnh các cuộc đàm phán được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022, ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tiến trình hòa bình đã đột ngột chấm dứt vào tháng 5 cùng năm khi Kiev rút khỏi đàm phán sau khi Thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson kêu gọi Ukraine tiếp tục chiến đấu.
Các quan chức Nga "đã chỉ ra rằng họ sẵn sàng" chấm dứt xung đột bằng cách tham gia vào "các cuộc đàm phán chặt chẽ và có nội dung thực chất" tại Istanbul, ông Witkoff nói, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên đã "đến rất, rất gần việc ký kết một thỏa thuận".
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm 2022 đã dẫn đến một thỏa thuận sơ bộ, trong đó Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập với lực lượng quân sự giới hạn, được bảo đảm an ninh bởi các cường quốc thế giới, bao gồm cả Nga.
Theo ông Witkoff, thỏa thuận sơ bộ tại Istanbul có thể được Washington sử dụng làm khuôn mẫu và là "kim chỉ nam" cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả các cuộc đàm phán tại Istanbul là "một điểm tham chiếu quan trọng và là nền tảng nơi các bên đã tiến gần nhất đến một thỏa thuận". Ông cũng gọi Thổ Nhĩ Kỳ là "nước chủ nhà lý tưởng" cho các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Kiev, Moscow và Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc đến các thỏa thuận Istanbul như một cơ sở tiềm năng cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai với Kiev.
Hồi tháng 1, Tổng thống Trump cho rằng chính việc cựu Tổng thống Biden ủng hộ nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine nên đã để xảy ra cuộc chiến toàn diện với Nga.
Theo ông Trump, viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO đã là mối lo ngại của Nga từ lâu. Ông Trump thậm chí còn bày tỏ: "Tôi hiểu được cảm giác này của Nga".