(Dân trí) - Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhằm trừng phạt Nga có thể đẩy Moscow vào cuộc khủng hoảng kéo dài, nhưng cũng khiến nền kinh tế phương Tây chịu tổn thất nghiêm trọng.
"CON DAO HAI LƯỠI" SAU ĐÒN TRỪNG PHẠT CỦA PHƯƠNG TÂY VỚI NGA
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhằm trừng phạt Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine có thể đẩy Moscow vào cuộc khủng hoảng kéo dài, nhưng cũng khiến nền kinh tế phương Tây chịu tổn thất nghiêm trọng.
Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với Moscow. Các biện pháp này được áp đặt trên hầu hết lĩnh vực với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Sau lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga do Mỹ và Anh khởi xướng, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030. Ngoài ra, Phương Tây đã phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Nga, loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và thu hồi quy chế "tối huệ quốc" của Nga, khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có.
Mỹ cùng Nhóm G7 và EU gần đây đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt mới với hai trong số các ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và Alfa Bank. Theo một quan chức Mỹ, tổng cộng, hiện tại, hơn 2/3 lĩnh vực ngân hàng của Nga đã bị chặn hoàn toàn.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp lệnh đóng băng tài sản và cấm giao dịch với hàng loạt quan chức cấp cao của Nga và thành viên gia đình họ, trong đó có Thủ tướng Mikhail Mishustin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev, các thành viên hội đồng an ninh Nga, 2 con gái của Tổng thống Putin, vợ và con gái của Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Ngoài ra, Mỹ còn thông qua sắc lệnh hành pháp cấm mọi hoạt động đầu tư mới của công dân Mỹ vào Nga nhằm "cô lập hơn nữa Nga khỏi kinh tế toàn cầu" và "làm giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của Nga". Bộ Tài chính Mỹ dự kiến công bố danh sách các doanh nghiệp quốc doanh quan trọng của Nga bị cấm làm ăn với công dân Mỹ và bị đóng băng bất cứ tài sản nào trong thẩm quyền xử lý của Mỹ.
Trong khi đó, Anh cũng công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm đóng băng tài sản của ngân hàng Sberbank và Credit Bank of Moscow, cấm tất cả các khoản đầu tư mới của công dân Anh vào Nga, cam kết ngừng nhập khẩu than đá và dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay, tiếp đến là ngừng hẳn nhập khẩu khí đốt, sắt thép Nga. Anh cũng bổ sung thêm hàng loạt tài phiệt Nga vào danh sách trừng phạt. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho rằng đây dường như là gói trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay của Anh.
Nghị viện châu Âu ngày 7/4 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu cấm vận "hoàn toàn và ngay lập tức việc nhập khẩu dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt Nga". Nghị quyết cũng yêu cầu loại hoàn toàn Nga khỏi hệ thống SWIFT và các tổ chức quốc tế. EU còn thông qua gói trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga. Các lệnh trừng phạt này gồm đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga cũng như cấm xuất khẩu vũ khí và một số hàng hóa công nghệ cao cho Nga, cấm cập cảng đối với các tàu của Nga.
Trong bối cảnh hứng chịu cuộc chiến kinh tế chưa từng có tiền lệ, thị trường chứng khoán Nga đã sụt giảm nghiêm trọng, tín dụng quốc gia của Nga cũng bị hạ xuống mức thấp. Đồng rúp lao dốc, giá thực phẩm leo thang và một số công ty đa quốc gia của châu Âu đã rút khỏi thị trường Nga. Ngoại trừ dầu thô và khí đốt tự nhiên, các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư và văn hóa của Nga với phương Tây gần như dừng lại.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông phương Tây, nền kinh tế Nga có thể suy giảm 1/3 trong năm nay. Ngay cả khi Nga chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự tại Ukraine, Nga sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi nền kinh tế nước này. Một quan chức Mỹ cho rằng, các đòn trừng phạt của phương Tây có thể đưa Nga trở lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng như hồi thập niên 1980.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lệnh trừng phạt của Mỹ cho rằng, những biện pháp này chưa đủ mạnh để làm ảnh hưởng đáng kể tới doanh thu từ năng lượng - lĩnh vực "nuôi sống" nền kinh tế Nga. EU phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Cụ thể, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt và 27% dầu mỏ cho châu Âu. Tỷ lệ phụ thuộc này thậm chí còn cao hơn nhiều ở một số nước như Đức.
Phương Tây cũng phải "chịu đau"
Làn sóng trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả Ukraine và phương Tây đều cho rằng đòn trừng phạt dường như là một trong những cách hiệu quả nhất nhằm buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người hoài nghi về mức độ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga. Các quan điểm này cho rằng các biện pháp trừng phạt cũng có hai mặt, thậm chí có thể thất bại.
Các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang phải hứng chịu phản ứng ngược từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Do giá năng lượng tăng cao, EU đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại nghiêm trọng, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp bị suy giảm và kinh tế khó khăn do lạm phát gây ra. Các doanh nghiệp bắt đầu đóng cửa hoặc định hình lại hoạt động ở Nga bất chấp sự đầu tư trong nhiều năm, từ ô tô đến hàng tiêu dùng xa xỉ và nhu yếu phẩm hàng ngày.
Theo Reuters, niềm tin của các nhà đầu tư Đức giảm kỷ lục trong tháng 3. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có nguy cơ rơi vào suy thoái, và nền kinh tế châu Âu cũng gặp rủi ro.
Vì Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga, giá dầu thô đã tăng vọt, đồng thời kéo theo giá xăng tăng mạnh. Điều này cũng đẩy Mỹ vào vòng xoáy khó khăn. Ngoài ra, giá cả hàng hóa tăng vọt do các lệnh trừng phạt đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm, tạo ra thách thức khác cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ.
"Chúng ta đang ở ngưỡng mà bản thân chúng ta cũng phải chịu đau. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt ban đầu được đưa ra nhằm mục đích không gây tổn hại cho phương Tây nhiều bằng Nga", Benn Steil, giám đốc kinh tế quốc tế của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho biết.
Sự chia rẽ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Bộ trưởng Tài chính Áo đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga, vì cho rằng những biện pháp này sẽ gây tổn hại cho Áo nhiều hơn Nga.
Việc nền kinh tế phương Tây phải đối mặt với tác động tiêu cực do các lệnh trừng phạt của Nga có thể làm rạn nứt liên minh do Mỹ dẫn đầu.
"Liên minh hai bờ Đại Tây Dương đã chạm tới giới hạn về những gì có thể được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng nhằm gây sức ép với Nga", Clayton Allen, giám đốc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cảnh báo.
Theo ông Allen, để chuyển sang vòng trừng phạt cứng rắn hơn, Mỹ cần đưa ra một số đảm bảo với các nước châu Âu rằng thị trường năng lượng và nguồn cung của họ vẫn được duy trì ổn định để tránh những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Ông cho rằng, một khi EU suy yếu về kinh tế, khối này sẽ không giúp được ai.
"Nếu Tây Âu rơi vào suy thoái, họ sẽ cạn kiệt khả năng hỗ trợ, cả về tinh thần và vật chất, cho Ukraine", chuyên gia Allen nhận định.
Cùng với Mỹ, EU đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm gây sức ép với Nga, buộc Moscow phải dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, một số thành viên EU lo ngại lệnh cấm vận năng lượng Nga có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế của họ. Do vậy, các nước EU vẫn tiếp tục mua hàng tỷ USD dầu khí của Nga.
Hàng triệu người phải gánh chịu hậu quả của các biện pháp trừng phạt sâu rộng, với quy mô lớn hơn bất kỳ lệnh trừng phạt nào trước đây do Mỹ hoặc các nước phương Tây áp đặt đối với Nga, Iran, Cuba, Triều Tiên và Venezuela.
Nga là nước đóng vai trò quan trọng trong 4 lĩnh vực chính của thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực năng lượng, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai và nước xuất khẩu than đá lớn thứ ba thế giới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nga và Ukraine được mệnh danh là vựa lúa mỳ của thế giới, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu về lúa mỳ, ngô, lúa mạch, yến mạch và các sản phẩm nông nghiệp khác. Trong lĩnh vực phân bón, Nga là một trong 3 nhà xuất khẩu hàng đầu, dẫn đầu thế giới về buôn bán kali, phân lân và phân đạm. Nga cũng là nước giao dịch kim loại hàng đầu và là nhà sản xuất chính về titan, niken, paladi, bạch kim và các kim loại khác.
Do vậy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ đe dọa an ninh kinh tế, năng lượng, lương thực và kim loại toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong 4 lĩnh vực chính này của Nga. Chúng cũng tạo ra các hiệu ứng lan tỏa, có nguy cơ lan rộng nhanh chóng và phá vỡ sự cân bằng cung cầu và chuỗi cung ứng và sản xuất, làm tăng thêm giá cả sản phẩm.
Biến động của giá dầu thô toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Sự gián đoạn trong xuất khẩu lúa mì, ngô và phân bón có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và an ninh lương thực toàn cầu, trong bối cảnh các nước Trung Đông và châu Phi phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực của Nga và Ukraine. Giá kim loại tăng cao sẽ làm tăng chi phí trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn ngành hàng không vũ trụ, ô tô và chất bán dẫn.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có nguy cơ làm trật bánh phục hồi kinh tế toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris đã công bố một báo cáo dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm thêm 1 điểm phần trăm do xung đột Nga-Ukraine. Trong khi đó lạm phát, vốn đã ở mức cao hồi đầu năm, sẽ cao hơn ít nhất 2 điểm phần trăm so với trước khi xảy ra xung đột. Lạm phát và tác động của đại dịch đối với nền kinh tế càng làm trầm trọng thêm những thách thức mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt và là lực cản đối với quá trình phục hồi.
Kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 3 triệu người đã sơ tán khỏi Ukraine. Đây là cuộc di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là chấm dứt xung đột ngay lập tức. Nga và Ukraine cho đến nay đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, nhưng không đạt nhiều đột phá.
Thành Đạt
Theo Reuters, Washington Post, China Focus