1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chiến thuật của ông Putin nhằm tối đa hóa nhượng bộ từ Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Việc lựa chọn thành phần phái đoàn hội đàm với Mỹ cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tối đa nhượng bộ từ Washington trong vấn đề Ukraine và những vấn đề song phương.

Chiến thuật của ông Putin nhằm tối đa hóa nhượng bộ từ Mỹ - 1

Phái đoàn Mỹ và Nga hội đàm cấp cao ở Ả rập Xê út ngày 18/2 (Ảnh: AFP).

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng tối đa tính hiệu quả của phái đoàn Nga trong các cuộc đàm phán với Mỹ để đạt được những nhượng bộ tối đa từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

"Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin được cho là đang cố gắng tối ưu hóa phái đoàn đàm phán của Nga để hoạt động hiệu quả nhất với những cá nhân cụ thể trong phái đoàn Mỹ. Đây có thể là một phần trong nỗ lực đạt được những nhượng bộ tối đa từ Mỹ", ISW nhận định ngày 19/2.

Trước hội đàm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin sẽ chỉ định phái đoàn đàm phán sau khi Mỹ chỉ định phái đoàn của họ.

Trang tin Meduza của Nga dẫn một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho hay, Mỹ chọn trước phái đoàn hội đàm với Nga ở Ả rập Xê út, sau đó Nga cố gắng "chọn lọc những đối tác phù hợp" cho từng quan chức Mỹ được chọn.

Phái đoàn Nga và Mỹ ngày 18/2 đã tiến hành hội đàm cấp cao đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.

Phái đoàn Nga gồm có Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov. Phía Mỹ có Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Trung Đông Steve Witkoff.

Nguồn tin của báo Moscow Times nói rằng Nga đang tìm cách khôi phục khối tài sản khoảng 6 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị phong tỏa ở Mỹ. Ngoài ra, Moscow yêu cầu khôi phục hoàn toàn các phái bộ ngoại giao ở cả hai nước và trả lại tài sản ngoại giao của Nga trước đây đã bị chính quyền Mỹ tịch thu.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio xác nhận 2 bên đã đồng ý khôi phục "chức năng của các phái đoàn tương ứng ở Washington và Moscow".

"Nga dường như đang cố gắng thúc đẩy Mỹ chấp nhận các điều khoản kinh tế và ngoại giao không liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, có thể để đổi lấy những nhượng bộ của Ukraine và phương Tây liên quan đến cuộc chiến", ISW nhận định.

Việc Mỹ chấp nhận các điều khoản kinh tế và ngoại giao này, mà không yêu cầu đổi lại bất kỳ nhượng bộ nào của Nga đối với Ukraine, sẽ tạo ra đòn bẩy mà Mỹ sẽ cần để đạt được mục tiêu mà Tổng thống Trump gọi là "một nền hòa bình lâu dài và bền vững có lợi cho cả Mỹ và Ukraine".

Sau cuộc hội đàm ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz đã nhắc lại rằng Tổng thống Trump vẫn giữ quan điểm cuộc chiến ở Ukraine phải kết thúc một cách "công bằng, lâu dài, bền vững và được tất cả các bên liên quan chấp nhận".

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sau đó nhấn mạnh, các bên sẽ đều phải đưa ra nhượng bộ.

Khi được đề nghị đánh giá về mong muốn hòa bình của Nga sau cuộc đàm phán ở Ả rập Xê út, ông Rubio nói, Moscow dường như sẵn sàng "bắt đầu tham gia vào một quá trình nghiêm túc để xác định" một cơ chế chấm dứt xung đột, song kết quả sẽ phụ thuộc vào sự sẵn lòng của mỗi bên trong việc "đồng ý với một số điều kiện nhất định".

Tại cuộc hội đàm ở Ả rập Xê út, Mỹ và Nga nhất trí chỉ định phái đoàn để tiếp tục các cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề Ukraine và các vấn đề song phương.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine