Chiến sự khốc liệt Nga - Ukraine bước sang năm thứ 2
(Dân trí) - Cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev đã bước sang năm thứ 2 và những cuộc giao tranh tại Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Theo những tính toán ban đầu của quân đội Nga, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chỉ kéo dài khoảng 100 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, tròn một năm đã trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Một năm mất mát
Sau một năm chiến sự khốc liệt, cả 2 bên Nga và Ukraine đều đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Không tính đến những tổn thất trên chiến trường, theo thống kê chính thức từ Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR), cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến 8.006 dân thường thiệt mạng và 13.287 người khác bị thương. Bên cạnh đó, chiến sự leo thang đã khiến 14 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa và 18 triệu người cần nhận được trợ giúp nhân đạo.
Theo các quan chức của OHCHR, con số thiệt hại thực thế còn có thể cao hơn rất nhiều.
Nền kinh tế của 2 quốc gia cũng phải đối mặt với những hậu quả nặng nề do tác động của xung đột.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Ukraine đã giảm 30,4% so với thời điểm trước khi xung đột nổ ra. Các chuyên gia nhận định gần như toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất của Kiev đã bị đánh sập. Bên cạnh đó, những biện pháp phong tỏa của Nga cũng khiến Ukraine không thể xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực ra nước ngoài, dẫn đến việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này giảm đến 35% chỉ trong vòng một năm.
Về phía Nga, GDP của nước này đã giảm 2,5% so với cùng kỳ. Những đòn cấm vận của phương Tây cũng khiến thâm hụt ngân sách của Moscow tăng lên 47,45 tỷ USD chỉ trong một năm và tỷ lệ lạm phát ước tính đã lên mức trên 2 chữ số.
Dù những thiệt hại kinh tế với Nga có thể không lớn bằng Ukraine, một số chuyên gia đã đưa ra nhận định cán cân có thể thay đổi khi xung đột bước vào năm thứ 2. Nga hiện vẫn đang phải căng mình để chi trả những khoản chiến phí khổng lồ với một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Với Ukraine, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky hiện vẫn có thể trông đợi vào các khoản viện trợ lớn mà Mỹ và các nước đồng minh phương Tây trong năm 2023.
Viễn cảnh xung đột trong năm thứ 2
Với những diễn biến khó lường và liên tục đảo chiều trong thời gian qua, giới phân tích cho rằng việc dự đoán tương lai của xung đột Nga - Ukraine không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có 3 viễn cảnh chính có thể xảy ra tại chiến trường Ukraine năm 2023.
Viễn cảnh đầu tiên, và cũng là kịch bản được nhiều người trông đợi nhất, đó là việc 2 quốc gia sẽ tìm được một giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột.
Những tổn thất và thiệt hại quá lớn sau một năm giao tranh sẽ khiến có thể sẽ khiến cả Nga và Ukraine "chùn bước" trong việc kéo dài xung đột. Để đạt được điều này, bên cạnh mong muốn của Moscow và Kiev, vai trò của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tổ chức trung gian như Liên hợp quốc sẽ trở nên đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, một số quốc gia có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine cũng có thể trở thành trung gian hòa giải cho cuộc xung đột đang diễn ra tại châu Âu.
Viễn cảnh thứ 2 được đề cập tới ở đây là việc một trong 2 nước Nga hoặc Ukraine sẽ giành thắng lợi và qua đó kết thúc xung đột. Đây được đánh giá là một viễn cảnh không dễ xảy ra khi giao tranh vẫn đang diễn biến căng thẳng trên nhiều mặt trận.
Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Nga trong thời gian đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã không thành sau những nỗ lực kháng cự của Kiev. Kể từ đó tới nay, ưu thế trên chiến trường của Nga ngày càng bị thu hẹp sau khi Ukraine nhận được thêm viện trợ vũ khí từ phương Tây. Những vũ khí phương Tây đã và đang chứng tỏ năng lực tác chiến rất hiệu quả trên chiến trường. Vì vậy, việc xuyên phá các phòng tuyến của Kiev ở thời điểm này sẽ là khó hơn nhiều so với hồi tháng 2/2022.
Về phía Ukraine, nhiều người kỳ vọng các vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp sẽ giúp quân đội của Tổng thống Zelensky giải phóng toàn bộ lãnh thổ, qua đó chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, phần lớn các vũ khí được Mỹ và đồng minh viện trợ cho Ukraine tính đến thời điểm này là các loại vũ khí phòng ngự. Để giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam nước này, giới phân tích cho rằng Ukraine cần thêm nhiều vũ khí tấn công có uy lực và tầm bắn xa. Đây sẽ là một thách thức cho Kiev khi nhiều quốc gia phương Tây đã bày tỏ sự e dè trong việc cung cấp những vũ khí tầm xa cho nước này do lo ngại Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Viễn cảnh thứ 3 trong năm thứ 2 của xung đột giữa Moscow và Kiev là việc cuộc xung đột này sẽ lan rộng ra ngoài biên giới của Nga và Ukraine.
Những ngày qua, thông tin về việc vùng Transnistria của Moldova sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo của xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều người chú ý. Trước đó, thông tin về việc Belarus sẽ gửi quân đến Ukraine hay vụ việc tên lửa phòng không của Kiev rơi xuống lãnh thổ Ba Lan cũng khiến giới quan sát bày tỏ sự quan ngại về việc các quốc gia láng giềng trong khu vực, trong đó có những thành viên của NATO sẽ bị cuốn vào xung đột giữa Nga và Ukraine.