1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình báo Ukraine chỉ ra thách thức của Nga sau một năm xung đột

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Giới chức tình báo Ukraine nhận định, Nga đang rơi vào tình trạng thiếu hụt đạn dược trầm trọng sau một năm xung đột tại Ukraine.

Tình báo Ukraine chỉ ra thách thức của Nga sau một năm xung đột - 1
Pháo tự hành 2S19 Msta-S của quân đội Nga khai hỏa (Ảnh: Defense Express).

Trong một phát biểu ngày 23/2, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, khẳng định quân đội Nga đang phải đối mặt tình trạng thiếu đạn dược, đặc biệt là đạn pháo trầm trọng sau gần một năm xảy ra xung đột với nước này.

Theo ông Budanov, hiện kho đạn pháo của Nga chỉ còn khoảng 30% so với thời điểm trước xung đột. Vấn đề trên khiến cho Moscow không còn giữ được nhịp độ tấn dữ dội như thời điểm mùa thu năm 2022. Thậm chí, vào tháng 1/2023, nhiều đơn vị của Nga tại mặt trận chỉ bắn ra số đạn pháo bằng khoảng 25% so với hồi năm 2022.

"Tốc độ sản xuất của họ thấp hơn nhiều so với tốc độ sử dụng trên chiến trường. Họ không thể nào mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng điều kiện của xung đột. Nga không phải Liên Xô. Họ hiểu điều đó", người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine nhấn mạnh.

Trang Defense Express cho biết, nhận định trên của ông Budanov không phải là không có cơ sở, đặc biệt là khi trong tuần qua, người lãnh đạo công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga thừa nhận lực lượng này đã không được cung cấp đầy đủ đạn dược. Điều này dẫn đến con số thương vong lớn của các lính đánh thuê Wagner trong thời gian qua.

Tình báo Ukraine chỉ ra thách thức của Nga sau một năm xung đột - 2
Thiếu hụt đạn pháo đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng với quân đội Nga (Ảnh: Defense Express).

Để bù đắp cho lượng đạn dược thiếu hụt, vào tháng 9/2022, giới chức tình báo Mỹ cáo buộc Nga đã tìm đến Triều Tiên để mua thêm hàng chục ngàn quả đạn pháo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Moscow đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này và khẳng định đây là những thông tin vô căn cứ.

Tình hình được cho là cũng không khá hơn với kho tên lửa của Nga. Để giải quyết bài toán thiếu hụt tên lửa hành trình có độ chính xác cao, Nga đã đưa vào sử dụng các tên lửa phòng không được hoán cải với nhiệm vụ tấn công mặt đất. Liên tục trong thời gian qua, nhiều khu vực trên lãnh thổ Ukraine đã phải hứng chịu những đợt tấn công bằng tên lửa S-300 được lắp thêm hệ thống định vị vệ tinh.

Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng tăng cường sử dụng các loại vũ khí thay thế như máy bay không người lái (UAV), tên lửa không gắn đầu đạn hay thậm chí là khí cầu quân sự trong các đợt tập kích đường không vào Ukraine. Đây được xem là động thái nghi binh của Moscow nhằm làm rối loạn hệ thống phòng không Ukraine cũng như bảo vệ số lượng tên lửa hành trình còn lại khỏi lưới lửa phòng không của Kiev.

Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về những thông tin trên.

Theo Defense Express