1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chiến sự chấn động Gaza: Ai đủ sức tháo ngòi "thùng thuốc súng" Trung Đông?

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới phân tích đã đưa ra nhận định về nhân tố có thể làm hạ nhiệt và tháo "ngòi nổ" căng thẳng giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza.

Giao tranh căng thẳng tại Israel và dải Gaza
Chiến sự chấn động Gaza: Ai đủ sức tháo ngòi thùng thuốc súng Trung Đông? - 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel chặn rocket phóng từ Dải Gaza ngày 12/5 (Ảnh: Reuters).

Các nhà ngoại giao cho biết, Mỹ đã phản đối yêu cầu của Trung Quốc, Na Uy và Tunisia về việc tổ chức một cuộc họp trực tuyến công khai của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày hôm nay 14/5 để thảo luận về tình hình bạo lực ngày càng leo thang giữa Israel và các chiến binh Palestine.

Một số nguồn tin tiết lộ rằng, Mỹ đã ngăn chặn việc thông qua một tuyên bố của Hội đồng Bảo an nhằm lên án vụ bạo lực tại Dải Gaza trong những ngày vừa qua.

Theo chia sẻ của 2 nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc với CNN, Mỹ đã thông báo cho các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an rằng, Washington lo ngại một tuyên bố nếu được thông qua có thể tác động tiêu cực đến các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Các nhà ngoại giao nói rằng Mỹ, một đồng minh thân cận của Israel, đã viện dẫn các nỗ lực ngoại giao để làm lý do cho sự phản đối của họ. Washington tin rằng một cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an về xung đột tại Dải Gaza sẽ không hiệu quả. 

Chiến sự chấn động Gaza: Ai đủ sức tháo ngòi thùng thuốc súng Trung Đông? - 2

Một tòa nhà bị phá hủy trong cuộc không kích của Israel trong bối cảnh bùng phát bạo lực giữa Israel và Palestine ở thành phố Gaza ngày 12/5 (Ảnh: Reuters).

Mirror dẫn nhận định của cựu Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cho biết, cộng đồng quốc tế có "tương đối ít lựa chọn" trong việc tìm hướng giải quyết cho cuộc xung đột tại Dải Gaza.

"Tất nhiên họ có thể kêu gọi kiềm chế và cố gắng lôi kéo một số nước trong khu vực cùng tham gia, và điều đó rõ ràng đang xảy ra. Tuy nhiên Hội đồng Bảo an đã bị tê liệt. Họ đã họp hai lần trong vài ngày qua, nhưng chỉ có thể đưa ra một tuyên bố rất mờ nhạt vì bị Mỹ chặn lại", ông Grant cho biết.

"Đặc phái viên Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang chạy khắp nơi để cố gắng cùng nhau làm một điều gì đó, nhưng điều duy nhất từ bên ngoài có thể ngăn chặn cuộc xung đột này là sức ép của Mỹ đối với Israel và sức ép của Ai Cập/Qatar đối với Hamas", ông Grant cho biết thêm.

Theo ông Grant, một lệnh ngừng bắn ngắn hạn giữa hai bên là kịch bản có thể xảy ra, nhưng đó chỉ là tạm thời, còn giải pháp lâu dài hơn phải kéo dài nhiều năm nữa.

Giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine đã bước sang ngày thứ 5 và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Reuters dẫn lời giới chức y tế Palestine cho biết, ít nhất 109 người ở Gaza đã thiệt mạng, trong đó có 29 trẻ em, chỉ trong 4 ngày qua.

Riêng trong ngày 13/5, ít nhất 52 người Palestine ở Gaza thiệt mạng sau các vụ không kích từ Israel. Trong khi đó, Israel cũng ghi nhận 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 dân thường.

Động thái của Mỹ

Chiến sự chấn động Gaza: Ai đủ sức tháo ngòi thùng thuốc súng Trung Đông? - 3

Từ trái qua phải: Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (Ảnh: Getty).

Theo cựu Đại sứ Anh Lyall Grant, những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu về tình hình tại Dải Gaza trong những ngày vừa qua là "đáng khích lệ".

"Rõ ràng ông ấy đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nhận được tín hiệu (từ ông Netanyahu) rằng mọi thứ đang dần đi đến hồi kết", ông Grant cho biết.

Theo Reuters, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu ngày 12/5, Tổng thống Biden cho biết Israel "có quyền tự vệ khi có hàng nghìn rocket bay vào lãnh thổ của mình". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ hy vọng rằng căng thẳng giữa người Israel và Palestine sẽ "sớm chấm dứt".

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng "Jerusalem, một thành phố có tầm quan trọng đối với những người có đức tin từ khắp nơi trên thế giới, phải là một nơi hòa bình".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 12/5 cho biết Tổng thống Biden có kế hoạch bổ nhiệm một "đại sứ có trình độ, kinh nghiệm" đến Israel trong "những tuần tới".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông đã yêu cầu một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao "đến khu vực ngay lập tức để gặp các nhà lãnh đạo Israel và Palestine" và hối thúc việc hạ nhiệt căng thẳng.

Ông Blinken cho biết Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Israel và Palestine Hady Amr sẽ "thay mặt" ông và Tổng thống Biden tìm cách giảm leo thang bạo lực.

Trong ngày 12/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Israel Benjamin Gantz. Đây là cuộc điện đàm mới nhất trong một loạt cuộc điện đàm giữa Washington và Israel khi tình hình tại Trung Đông diễn biến phức tạp.

Nhà Trắng xác nhận đã có 25 "cuộc gọi và cuộc họp cấp cao" giữa các quan chức chính quyền Tổng thống Biden với các đối tác trong khu vực kể từ cuối tuần trước. Cuộc điện đàm giữa các quan chức cấp cao tại Washington và các quan chức Trung Đông, bao gồm các nhà ngoại giao Israel, Palestine, Qatar, Tunisia và Ai Cập, cũng đã được thực hiện.

"Sự phối hợp của chúng tôi với các quan chức trong khu vực phần lớn diễn ra một cách riêng tư, thông qua các kênh ngoại giao", Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết.

Không chỉ điện đàm với Thủ tướng Netanyahu, Ngoại trưởng Blinken cũng trao đổi với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 12/5 để trao đổi về tình hình "bạo lực ở Jerusalem, Bờ Tây và Gaza", đồng thời gửi "lời chia buồn của ông đối với những người đã thiệt mạng".

Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Mỹ tin rằng cả người Palestine và người Israel đều xứng đáng được hưởng "sự bình đẳng về tự do, an ninh, phẩm giá và thịnh vượng".

Bài toán khó với Tổng thống Biden

Chiến sự chấn động Gaza: Ai đủ sức tháo ngòi thùng thuốc súng Trung Đông? - 4

Mẹ của Rasheed Abu Arra, một người Palestine thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng Israel, ôm thi thể con trai mình trong lễ tang tại thị trấn Aqqaba gần Tubas, thuộc Bờ Tây ngày 12/5 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Biden, người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Mỹ thoát khỏi đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế, đã nói rằng việc giải quyết những vấn đề trong nước sẽ giúp Mỹ có chỗ đứng vững chắc hơn ở nước ngoài.

Ông Biden tập trung sự chú ý của mình vào những vấn đề nội bộ trong những ngày đầu của nhiệm kỳ với nhận thức rằng, vị thế chính trị của ông sẽ được quyết định gần như hoàn toàn bởi cách nước Mỹ phục hồi.

Khác với người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden không coi việc đàm phán để đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa người Israel và người Palestine là mục tiêu chính.

Trước ông Biden, các đời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama cũng đã nỗ lực, nhưng cuối cùng vẫn không thể chấm dứt cuộc xung đột Israel - Palestine dù họ đã đưa ra các sáng kiến lớn. Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết việc đạt được một thỏa thuận "không khó" như mọi người vẫn nghĩ, nhưng rốt cuộc đề xuất của ông, vốn được đông đảo người Israel ủng hộ, cũng không mang lại hiệu quả.

Tổng thống Biden đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc phải can dự nhiều hơn vào vấn đề Israel - Palestine. Trong khi phe Cộng hòa chỉ trích ông không đứng về phía người Israel, phe Dân chủ lại muốn ông lên tiếng về nỗi khó khăn của người Palestine.

Mối quan tâm chính của Tổng thống Biden dường như không phải là cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, mà là nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, sự bùng nổ của tình trạng bạo lực giữa Israel và Palestine sẽ là phép thử cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, vì các lợi ích quan trọng của Mỹ vẫn đang được "đặt cược" tại Trung Đông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm