Chiến sự rung chuyển Gaza: Điều gì châm ngòi "thùng thuốc súng" Trung Đông?
(Dân trí) - Israel và lực lượng Hamas một lần nữa đứng bên bờ vực chiến tranh ở Dải Gaza khi các cuộc giao tranh leo thang nguy hiểm 2 ngày qua, làm ít nhất 33 người thiệt mạng.
Hàng trăm rocket từ Dải Gaza đã nhằm vào Israel hôm 10/5 chỉ vài giờ sau khi lực lượng Hamas ra "tối hậu thư" yêu cầu Israel rút lực lượng an ninh khỏi các khu vực nhà thờ Al-Aqsa, khu vực Sheikh Jarrah ở thành cổ Jerusalem.
Israel đã đáp trả bằng hàng loạt đợt không kích vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Các cuộc giao tranh hai ngày qua đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng, trong đó có 30 người Palestine, 3 người Israel, nhiều cơ sở hạ tầng ở cả hai bên bị phá hủy. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua cảnh báo, các lực lượng dân quân của Palestine ở Gaza sẽ phải "trả giá rất đắt".
Căn nguyên đợt giao tranh đẫm máu
Vài tuần trở lại đây, người biểu tình ở Palestine và lực lượng an ninh Israel liên tục xảy ra đụng độ ở trong và quanh khu vực thành cổ Jerusalem, nơi đóng vai trò quan trọng trong đức tin của cả 3 tôn giáo lớn gồm Do Thái, Cơ đốc và Hồi giáo. Cả 3 tôn giáo này đều xem Jerusalem là "thánh địa".
Israel đã kiểm soát Đông Jerusalem từ cuộc chiến tranh năm 1967 và tuyên bố Jerusalem là thủ đô không thể chia tách của nước này. Trong khi đó, người Palestine cũng tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước trong tương lai.
Suốt nửa thế kỷ qua, cuộc xung đột giữa Israel và cộng đồng các nước Ả-rập láng giềng đã trở thành "thùng thuốc súng" ở Trung Đông. Liên Hợp Quốc và nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã vào cuộc để dàn xếp thỏa thuận giữa Israel và Palestine, song đều không đạt được kết quả. Do vậy, xung đột vẫn âm ỉ ở vùng đất thiêng này.
Các cuộc xung đột gần đây nhất là cách đây một tháng khi Israel ngăn người Palestine vào khu vực thành cổ trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Khi mâu thuẫn chưa kịp lắng xuống, hai bên tiếp tục căng thẳng vì kế hoạch trục xuất hàng chục người Palestine khỏi một khu vực lân cận phía đông Jerusalem. Các vụ đụng độ khiến hàng trăm người Palestine bị thương, trong khi lực lượng an ninh của Israel cũng bị thương.
Nguy cơ chiến tranh toàn diện
Trước kia, các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở Dải Gaza thông thường kết thúc sau vài ngày với nỗ lực hòa giải của Qatar, Ai Cập và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, mức độ giao tranh hiện nay cho thấy căng thẳng có thể leo thang nguy hiểm hơn nữa.
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 11/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định: "Chúng ta đang ở giai đoạn cao nhất của một chiến dịch mạnh mẽ. Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo đã và sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho hành vi gây hấn… Họ sẽ phải trả giá bằng máu". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố, các cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu Palestine ở Dải Gaza "mới chỉ là khởi đầu".
Quân đội Israel được cho là đang tăng viện binh sĩ, xe thiết giáp và máy bay chiến đấu đến biên giới phía nam sau khi điều động ít nhất 5.000 binh sĩ dự bị đến đây.
Về phía Palestine, lực lượng dân quân Hamas cáo buộc Israel đã "gây ra khói lửa ở Jerusalem và Al-Aqsa, lửa đã lan đến Gaza, do vậy Israel phải gánh hậu quả". Lực lượng này xác nhận đã phóng hàng trăm rocket vào các mục tiêu ở Israel trong hai ngày qua.
Hamas là một tổ chức chiến binh Hồi giáo chính thống hoạt động ở Bờ Tây và Dải Gaza. Lực lượng này có hơn 1.000 chiến binh và hàng nghìn những người ủng hộ và tình nguyện viên. Việc Hamas không công nhận Nhà nước Israel là một trong những lí do khiến họ bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.
Chiến sự căng thẳng ở Dải Gaza những ngày qua làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến tranh toàn diện ở nơi bị coi là "thùng thuốc súng" Trung Đông. Nhiều nước, trong đó có Nga và Mỹ, đã kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng ở Dải Gaza.
"Hãy ngừng khai hỏa ngay lập tức. Chúng ta đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện", Tor Wennesland, nhà ngoại giao Na Uy và là Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Tiến trình Hòa bình Trung Đông, cảnh báo. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: "Lãnh đạo các bên có trách nhiệm hạ nhiệt căng thẳng. Cái giá của chiến tranh ở Gaza sẽ rất khủng khiếp và chính những người dân thường phải trả giá. Liên Hợp Quốc đang làm việc với tất cả các bên để kiềm chế tình hình".