Catalonia phải trả lời tối hậu thư: “Có” hay “Không” đều thiệt
Khi chính phủ Tây Ban Nha đưa ra tối hậu thư thì lập tức phe ly khai ở Catalonia rơi vào tình thế khó xử.
Phản đòn tỉnh táo
Có thể nói, việc chính quyền trung ương Tây Ban Nha của Thủ tướng Mariano Rajoy đưa ra tối hậu thư cho các lãnh đạo ly khai vùng Catalonia, là một chiến thuật rất hiệu quả vào thời điểm này. Bởi lẽ, tối hậu thư này đã gần như ngay lập tức tước bỏ ý định kéo dài thời gian của phe ly khai ở Catalonia.
Cần nhắc lại rằng, hôm 10/10, ông Carles Puigdemont, lãnh đạo chính quyền vùng Catalonia, đã đưa ra một tuyên bố rất mập mờ, đó là khẳng định vùng Catalonia sẽ trở thành một quốc gia độc lập, nhưng rồi lại chính ông này đã ngay lập tức ký quyết định treo hiệu lực của tuyên bố này.
Mục đích chính của các lãnh đạo ly khai Catalonia, vì vậy, là kéo dài thời gian nhằm gây sức ép với chính phủ Tây Ban Nha, tìm kiếm thêm sự ủng hộ và kêu gọi sự can thiệp của quốc tế, nhất là của Liên minh châu Âu.
Chính vì thế, khi chính phủ Tây Ban Nha đưa ra tối hậu thư thì lập tức phe ly khai ở Catalonia rơi vào tình thế khó xử.
Nếu không dám khẳng định là đã tuyên bố độc lập thì coi như các kết quả đạt được trước đó, nhất là cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10, coi như bỏ đi. Nhưng nếu khẳng định là đã tuyên bố độc lập thì gần như chắc chắn ngay lập tức vùng Catalonia sẽ bị chính quyền Tây Ban Nha tước bỏ quyền tự trị theo điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha, thậm chí các lãnh đạo ly khai còn có thể bị bắt giam.
Nếu kịch bản này xảy ra, sự cảm thông hay ủng hộ với phe ly khai ở Catalonia vào thời điểm này rõ ràng rất ít bởi hầu như mọi cường quốc ở châu Âu, rồi Mỹ, hay Liên minh châu Âu, và kể cả không ít người dân Catalonia… đều không ủng hộ vùng này độc lập.
Nội bộ phe ly khai Catalonia vì vậy đang chia rẽ rất mạnh. Cánh ôn hoà cho rằng, cần phải tránh các bước đi liều lĩnh bởi thực tế cho thấy vùng Catalonia chưa thể trở thành một quốc gia độc lập vào thời điểm này, trong khi phe cực đoan thì không muốn rút lui.
Có thể nói, tối hậu thư của chính phủ Tây Ban Nha đang đặt chính quyền Catalonia vào một tình thế nan giải.
Được nhiều hơn mất
Tối hậu thư của chính quyền Tây Ban Nha là một chiến thuật phản công tỉnh táo và dựa vào các diễn biến hiện nay thì có thể nói, chính quyền Tây Ban Nha được nhiều hơn mất.
Cái được lớn nhất là phá được chiến thuật kéo dài thời gian từ phe ly khai ở Catalonia, không cho phe này đủ thời gian và không gian để tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài.
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, chính quyền Tây Ban Nha có được tính chính danh rõ ràng về mặt luật pháp và được sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt chính trị quốc tế. Nói cách khác là hiện tại chính quyền Tây Ban Nha đang hoàn toàn nắm thế chủ động trong tay.
Điều này thể hiện rõ hơn ở việc trên thực tế dù đưa ra hạn chót của tối hậu thư là 10h sáng thứ Hai, ngày 16/10, nhưng sau đó chính quyền Tây Ban Nha lại lùi thời hạn này đến sáng thứ Năm, 19/10, tức là 3 ngày sau, để xem xét câu trả lời từ chính quyền Catalonia có hợp lý hay không.
Việc này không phải là sự nhượng bộ cho phe ly khai ở Catalonia mà là do chính quyền Tây Ban Nha muốn chuẩn bị kỹ trong tình huống phải sử dụng điều 155 Hiến pháp, tức là sẽ phải nắm quyền kiểm soát trực tiếp lực lượng cảnh sát ở Catalonia cũng như quản lý các công chức nhà nước ở vùng này.
Cái mất của chính quyền Tây Ban Nha, nếu có, thì đó là việc đẩy các căng thẳng lên cao trào như hiện nay và cương quyết không đối thoại, tất nhiên có thể tạo ra nguy cơ về việc bùng nổ căng thẳng nếu phe ly khai quyết theo đuổi đến cùng ý định độc lập.
Lãnh đạo vùng Catalonia có 5 ngày để nói rõ tình trạng độc lập. Ảnh: CNN.
Khi đó, môi trường chính trị, an ninh và kinh tế của Tây Ban Nha chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, về tổng thể thì cách phản ứng của chính quyền Tây Ban Nha hiện nay đang được đánh giá tích cực.
Sẽ đến lúc xuống thang
Phe ly khai ở Catalonia sẽ rất khó đưa ra một câu trả lời rõ ràng cho chính quyền Tây Ban Nha. Bởi một câu trả lời minh bạch, dù là “Có” hay “Không” thì cũng đều mang lại các hậu quả lớn với phe này.
Thực chất của vấn đề Catalonia suốt thời gian qua nằm ở chỗ, có một nhóm đảng phái chính trị lợi dụng tâm lý bất mãn của dân Catalonia để thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa địa phương lên, vì các ý đồ chính trị riêng.
Ngay bản thân nhóm này cũng không dám tin và dám theo đuổi đến cùng ý định dựng nên một nhà nước Catalonia độc lập. Vì vậy, khi gặp phải thái độ cứng rắn không khoan nhượng của chính quyền Tây Ban Nha, và nhất là sự phản đối từ chính một bộ phận không nhỏ dân chúng vùng Catalonia và sự từ chối ủng hộ của quốc tế, phe ly khai này bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Mục đích thực sự của phe ly khai có lẽ chỉ là tìm kiếm một quy chế tự trị nhiều quyền lực hơn cho vùng Catalonia, chứ không hẳn là một nhà nước độc lập. Thực tế thì chính trường và thị trường đều phản ứng tiêu cực trước ý định Catalonia ly khai.
Hiện có đến 540 doanh nghiệp ở Catalonia đang tìm cách rời trụ sở khỏi vùng này từ hôm 1/10 đến nay, còn mọi dự đoán kinh tế tương lai đều bi quan nếu Catalonia độc lập.
Vì thế, sẽ đến một thời điểm chính quyền ly khai ở Catalonia phải từ bỏ việc coi độc lập là yêu sách hàng đầu, và chỉ có như thế thì mới có thể bắt đầu các cuộc đối thoại với chính quyền Tây Ban Nha.
Tình thế căng thẳng, bế tắc hiện nay nếu kéo dài sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào nhưng thua thiệt nhiều nhất vẫn sẽ chính là phe ly khai ở Catalonia.
Theo Quang Dũng
VOV - Paris