1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga mở đường ống khí đốt đến Trung Quốc thay thế Dòng chảy Phương Bắc 2

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố một đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Trung Quốc sẽ thay thế đường dẫn khí đốt tới châu Âu.

Nga mở đường ống khí đốt đến Trung Quốc thay thế Dòng chảy Phương Bắc 2 - 1

Quá trình xây dựng đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia (Ảnh: Gazprom).

Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya-1 hôm 15/9 về việc liệu Nga có thay thế đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) bằng đường ống Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) hay không, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak trả lời: "Có".

Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga nhiều năm qua đã nghiên cứu phương án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới có tên gọi "Sức mạnh Siberia 2" đi qua Mông Cổ để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Trung Quốc. Theo Gazprom, đường ống này có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, ít hơn một chút so với đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga sang Đức dưới Biển Baltic.

Đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 cũng là một dự án tham vọng của tập đoàn Gazprom, nằm gần song song với Nord Stream 1 để tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hàng năm từ Nga đến Đức. Dự án này đã được bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy vậy, những căng thẳng do các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine làm cho dự án chưa thể được đưa vào hoạt động.

Bộ trưởng Novak cho biết Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký thỏa thuận về việc cung cấp "50 tỷ m3 khí đốt" mỗi năm thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 trong tương lai.

Nga mở đường ống khí đốt đến Trung Quốc thay thế Dòng chảy Phương Bắc 2 - 2

Bản đồ đường ống Power of Siberia (Ảnh: Asia Times).

Bộ trưởng Nga nói rằng tập đoàn Gazprom, nhà vận hành đường ống Sức mạnh Siberia 1 nối mỏ khí Chaiandina đến vùng đông bắc Trung Quốc từ cuối năm 2019, sẽ "tăng lượng vận chuyển" lên mức "20 tỷ m3 khí đốt" mỗi năm. Việc kết nối mỏ khí Kovytka, gần hồ Baikal, với đường ống vào đầu năm 2023 sẽ giúp đạt được mục tiêu này.

Đến năm 2025, khi đạt công suất tối đa, đường ống sẽ vận chuyển 61 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, nhiều hơn Nord Stream 1, trong đó 38 tỷ m3 sẽ đến Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2014 giữa Gazprom và đối tác CNPC của Trung Quốc.

Hai bên cũng đã ký các thỏa thuận xây dựng một tuyến đường vận chuyển mới từ Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga đến miền bắc Trung Quốc, tăng lưu lượng khí đốt vận chuyển thêm 10 tỷ m3.

Trước khi đường ống Sức mạnh Siberia đi vào hoạt động, hầu như toàn bộ đường ống của Nga đều hướng tới việc vận chuyển khí đốt cho châu Âu, khiến việc xoay trục sang phía Đông trở thành nỗ lực tốn kém và tốn thời gian đối với Moscow.

Nga gần đây đã khóa van vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, viện dẫn lý do kỹ thuật do các lệnh cấm vận của phương Tây. Nga tuyên bố, chỉ khi phương Tây gỡ lệnh trừng phạt, đường ống này mới có thể được sửa chữa và vận hành trở lại. EU cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 7/9 thông báo, EU sẽ đề xuất với các nước thành viên về việc áp giá trần với mặt hàng khí đốt của Nga. Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính G7 cũng có động thái tương tự.

Theo AFP