1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức, Nga tranh cãi căng thẳng vì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đức và Nga cáo buộc lẫn nhau về việc tua-bin nén khí của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 không được bàn giao, dẫn tới việc Moscow giảm lượng khí đốt cấp cho Berlin.

Đức, Nga tranh cãi căng thẳng vì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 - 1

Nga đã giảm mạnh khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 4/8 tới thăm tua-bin khí của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và tuyên bố rằng thiết bị này "hoạt động". Ông Scholz cáo buộc Nga là bên chậm trễ trong việc nhận tua-bin, khiến cho dòng khí đốt từ Moscow chảy qua Đức bị giảm mạnh.

Trước đó, thiết bị do công ty Siemens (Đức) sản xuất được đưa sang Canada sửa chữa. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt vì Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã ngăn tua-bin này được trả về. Nga viện dẫn đây là lý do khiến họ phải giảm lưu lượng khí đốt chuyển sang Đức.

Canada sau đó đã quyết định trả tua-bin và đưa thiết bị này tới Đức, tuy nhiên, cho tới nay, Nga vẫn chưa nhận được. Cả Moscow và Berlin đều đang đổ lỗi cho nhau vì diễn biến này.

"Tua-bin có thể được vận chuyển và sử dụng bất cứ lúc nào. Việc (Nga) không hoàn thành các điều khoản trong hợp đồng cung cấp khí đốt không có lý do kỹ thuật nào", ông Olaf nói trong chuyến thăm tới Siemens Energy.

Đức cáo buộc Nga cố tình ngăn việc nhận tua-bin và sử dụng nó làm lý do để giảm dòng khí đốt. Đức hiện đang căng thẳng vì vấn đề năng lượng khi chưa thể lấp đầy kho dự trữ khí đốt trong bối cảnh mùa đông đang tới gần, đồng thời dòng khí đốt từ Nga chảy sang liên tục giảm trong thời gian qua. Hiện lượng khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 chỉ đạt 20% công suất tối đa. Đây là đường ống chuyển khí đốt lớn nhất chảy từ Nga sang Đức.

Vào cùng ngày, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom bác cáo buộc của Đức rằng họ cố tình ngăn tua-bin được đưa sang Nga. Gazprom nói rằng, chính các lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân khiến việc chuyển tua-bin không thể tiến hành đúng theo lịch trình.

 "Các lệnh trừng phạt của Canada, EU, Anh và sự mâu thuẫn của tình hình hiện tại với các nghĩa vụ hợp đồng của Siemens khiến việc bàn giao động cơ 073 cho trạm nén khí Portovaya là không thể", Gazprom giải thích.

Sau đó, Siemens đã cáo buộc Gazprom cung cấp thông tin sai sự thật. "Mọi việc có thể nói đã nói. Ngay cả Thủ tướng Đức hôm qua cũng đã phát biểu về việc này. Không còn gì để nói thêm nữa. Không có bất cứ lệnh trừng phạt của EU nào chống lại tua-bin đó", một đại diện của Siemens nói với RBC.

Ngày 25/7, Gazprom xác nhận đã nhận được văn bản liên quan tới tua-bin từ Siemens. Tuy nhiên, Gazprom cho hay, các giấy tờ này không làm rõ các vấn đề phát sinh do lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine