1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bloomberg: Mỹ không hài lòng vì Tổng thống Pháp để ngỏ đưa quân tới Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hãng tin Mỹ Bloomberg nói rằng giới chức nước này tỏ ra không hài lòng vì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ngỏ khả năng đưa quân tới Ukraine.

Bloomberg: Mỹ không hài lòng vì Tổng thống Pháp để ngỏ đưa quân tới Ukraine - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters).

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin trong chính phủ Mỹ cho biết, giới chức Washington tỏ ra không hài lòng với ông Macron sau khi Tổng thống Pháp cho rằng để ngăn Nga chiến thắng ở Ukraine, NATO có thể phải dùng tới lực lượng quân sự.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Bloomberg rằng, Washington dường như lo ngại phát ngôn của ông Macron có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột với Nga.

Vào cuối tháng 2, ông Macron nói rằng các thành viên NATO "không thể loại trừ bất cứ khả năng nào", kể cả việc triển khai bộ binh tới Ukraine.

Theo nguồn tin, phát biểu của ông Macron dường như có mục tiêu gây áp lực khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin cân nhắc về việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Mỹ lo ngại phát biểu này có thể gây ra hiệu ứng ngược lại.

Ngoài ra, một số nguồn tin cho rằng, phát biểu của ông Macron không thực sự quá sáng suốt từ góc độ an ninh tác chiến vì "một số quốc gia phương Tây dường như đã có quân ở Ukraine".

Tuần trước, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng việc các lực lượng phương Tây hiện diện ở Ukraine hiện là "bí mật mà ai cũng biết".

Mặc dù vậy, sau tuyên bố của ông Macron, nhiều quốc gia NATO đã khẳng định sẽ không gửi quân tới Ukraine, bao gồm cả Mỹ và Đức.

Ngoài ra, theo Bloomberg, nhiều nước châu Âu dường như âm thầm ủng hộ việc ông Macron thể hiện lập trường cứng rắn với Nga. Tuy nhiên, một số thủ tướng các nước NATO được cho mong đợi Pháp sẽ hành động nhiều hơn.

Ví dụ, Séc gần đây đã tung ra sáng kiến kêu gọi mua đạn dược cho Ukraine. Tháng trước, ông Macron cho biết ông ủng hộ sáng kiến của Séc, nhưng tới nay Pháp vẫn chưa công bố đóng góp tài chính cho hoạt động này. Bloomberg nói rằng, một số quốc gia NATO mong chờ Pháp sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo tích cực hơn.

Bất chấp những tranh cãi xung quanh phát biểu nói trên, ông Macron vẫn bảo vệ tuyên bố của bản thân, nhấn mạnh ông đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn. Ngoài ra, ông Macron cũng khẳng định nếu kịch bản phương Tây đưa quân tới Ukraine xảy ra, lực lượng Pháp sẽ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không đối đầu trực tiếp với Nga.

Hồi đầu tháng, khi được hỏi liệu những tuyên bố như vậy của Tổng thống Pháp có đang đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân hay không, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga Sergey Naryshkin khẳng định: "Có".

Ông Naryshkin cho biết những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine cho thấy "sự vô trách nhiệm" của các nhà lãnh đạo châu Âu.

"Thật buồn khi chứng kiến điều này, thật buồn khi hiểu rằng các nhà lãnh đạo châu Âu và Bắc Đại Tây Dương hiện nay thiếu khả năng đàm phán. Đó là lý do những tuyên bố như vậy rất nguy hiểm", quan chức Nga nhấn mạnh.

Trong Thông điệp Liên bang phát biểu trước quốc hội hôm 29/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo kịch bản phương Tây đưa quân vào Ukraine có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân.

Theo Bloomberg, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine