1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO cân nhắc bắn hạ tên lửa Nga gần biên giới

Minh Phương

(Dân trí) - NATO đang cân nhắc các biện pháp tăng cường an ninh chưa từng có sau vụ việc một tên lửa Nga đi vào không phận Ba Lan, một thành viên liên minh, chỉ trong 39 giây.

NATO cân nhắc bắn hạ tên lửa Nga gần biên giới - 1

Ba Lan cáo buộc tên lửa Nga xâm phạm không phận hôm 24/3 (Ảnh minh họa: Anadolu).

Bộ Quốc phòng Ba Lan cuối tuần trước cáo buộc tên lửa của Nga đã vi phạm không phận của Ba Lan khi tấn công Ukraine hôm 24/3. Cụ thể, các hệ thống phòng không của Ba Lan đã phát hiện một tên lửa Nga đi vào không phận nước này khoảng 39 giây, vi phạm khoảng 2km không phận Ba Lan trước khi bay đến Ukraine.

Warsaw cho biết, quân đội Ba Lan quyết định không bắn hạ tên lửa này bởi vì xác định tên lửa không gây mối đe dọa đối với Ba Lan. Trong khi đó, việc bắn rơi nó có thể gây nguy hại cho dân thường trên mặt đất.

Tuy nhiên, sau sự việc này, Ba Lan đã thông báo cho các đồng minh NATO, đồng thời yêu cầu triệu tập Đại sứ Nga tại Warsaw Sergey Andreev để đưa ra lời giải thích.

Ba Lan là thành viên của NATO kể từ năm 2004. Một tên lửa xâm phạm lãnh thổ Ba Lan có thể kéo theo kịch bản kích hoạt Điều 5 trong hiến chương NATO. Điều khoản này quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên là tấn công vào toàn bộ liên minh và NATO được phép đáp trả tập thể.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna cho biết, NATO đang cân nhắc bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Nga ở gần biên giới các nước thành viên. Theo ông Szejna, đề xuất đó cũng cần được sự ủng hộ của Ukraine.

"NATO đang phân tích nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả phương án những tên lửa như vậy nên bị bắn hạ khi chúng ở gần biên giới NATO, nhưng điều này sẽ phải được thực hiện với sự đồng ý của phía Ukraine và có tính đến các hậu quả quốc tế. Khi đó tên lửa NATO sẽ đánh trúng tên lửa Nga ngoài lãnh thổ liên minh", nhà ngoại giao Ba Lan nói.

Thứ trưởng Shejna lưu ý rằng việc tên lửa Nga xâm phạm không phận Ba Lan là một phép thử đối với sức mạnh phòng thủ và tính cảnh giác của Lực lượng Vũ trang Ba Lan. Theo ông, Nga thừa hiểu rằng nếu tên lửa của họ di chuyển xa hơn vào lãnh thổ Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ.

Về phản ứng của Mỹ, trong một cuộc họp báo ngày 26/3, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Washington sẵn sàng thực hiện cam kết bảo vệ các đồng minh NATO trong trường hợp bị tấn công.

"Điều mà chúng tôi đã nói lại nhiều lần là chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO. Nếu đồng minh NATO bị tấn công, chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO", bà Singh nói.

Mặt khác, bà Singh nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Washington là đảm bảo Ukraine được đáp ứng những thứ họ cần trên chiến trường.

Phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" cách đây hơn 2 năm, nhưng các nước này vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Nga ngay cả khi Moscow nói rằng họ coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm với phương Tây.

Tuy nhiên, việc Nga và Ukraine gần đây đáp trả nhau bằng các cuộc không kích quy mô lớn qua biên giới làm dấy lên lo ngại xung đột lan rộng ra khắp châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước nói rằng phương Tây không loại trừ khả năng đưa lực lượng quân sự đến Ukraine. Tuyên bố này vấp phải sự phản ứng trái chiều của các đồng minh NATO. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 26/3 cho biết, Kiev không đề nghị phương Tây gửi quân đến, nhưng kịch bản đó sớm muộn sẽ xảy ra.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine