1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bên trong căn cứ không quân Mỹ sát nách Triều Tiên

(Dân trí) - Các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc, trong đó có căn cứ không quân Osan với các khí tài hiện đại, được cho là luôn trong tình trạng sẵn sàng đối phó với mọi mối đe dọa từ Triều Tiên.


Một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ (Ảnh: Aviationist)

Một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ (Ảnh: Aviationist)

Máy bay trinh sát U-2

Khi trời mới tờ mờ sáng, cũng là lúc các máy bay đầu tiên cất cánh khỏi căn cứ không quân Osan (Hàn Quốc), bay lượn ở bầu trời phía trên bán đảo Triều Tiên, thu thập dữ liệu để chuyển về sở chỉ huy quân đội Mỹ ở Hàn Quốc.

Trong bối cảnh Triều Tiên liên tục “khoe” các thành tựu phát triển hạt nhân và tên lửa có thể bắn tới đảo Guam thì máy bay trinh sát U-2 đồn trú tại căn cứ Mỹ gần Triều Tiên nhất này được coi là lựa chọn thích hợp giúp Washington đánh giá mối đe dọa thực sự.

Được mệnh danh là “Rồng Cái” (Dragon Lady), máy bay trinh sát U-2 có khả năng bay ở độ cao 21.000m so với mặt biển.

U-2 được chế tạo và triển khai trong thời kỳ chiến tranh lạnh những năm 1950 với mục đích tránh bị các máy bay Liên Xô phát hiện. Ngày nay, các máy bay U-2 được nâng cấp với hệ thống cảm biến và camera hiện đại, giá mỗi chiếc máy bay loại này khoảng 250 triệu USD.

Điều đặc biệt là U-2 có thể làm các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo mà các máy bay không người lái đời mới không làm được. Đó là lý do khiến “Rồng Cái” được coi là khí tài quan trọng giúp Mỹ thu thập thông tin về Triều Tiên.

James Bartran, phi công lái U-2 kỳ cựu thuộc Phi đội trinh sát số 5 tại căn cứ không quân Osan cho biết: “Hiện giờ chúng tôi bận rộn hơn nhiều so với 10 năm trước”.

“Mọi dữ liệu mà máy bay này gửi về gần như được chuyển ngay lập tức cho người phụ trách xử lý, khai thác và phổ biến thông tin trong vòng vài phút cho giới lãnh đạo”, ông Bartran nói.

Ông Bartran cho biết, sự hiện diện của “Rồng Cái” U-2 ở bán đảo Triều Tiên là nhằm đảm bảo Mỹ có đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định hành động.

Ngoài máy bay trinh sát U-2, căn cứ Osan còn là nơi đồn trú của hai phi đội máy bay chiến đấu F-16 - phi đội sẵn sàng “chiến đấu tối nay” để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Phi đội F-16


Một máy bay F-16 của Mỹ tham gia trình diễn. (Ảnh: Reuters)

Một máy bay F-16 của Mỹ tham gia trình diễn. (Ảnh: Reuters)

Phi đội F-16 thứ ba của Mỹ đồn trú tại Kunsan, căn cứ không quân khác của Mỹ ở Hàn Quốc, cách Seoul khoảng 180 km về phía nam.

Daniel Trueblood, một phi công lái máy bay chiến đấu F-16 thuộc Phi đội số 36 của Không quân Mỹ, cho biết máy bay này có thể di chuyển khoảng 27km/phút.

Điều đó có nghĩa là trong trường hợp Mỹ quyết định triển khai một cuộc tấn công hay đáp trả Triều Tiên, các máy bay F-16 có thể mang các tên lửa tầm ngắn và tầm xa từ căn cứ Osan đến không phận Triều Tiên trong vòng chưa đầy 3 phút.

Cũng giống các phi công lái máy bay trinh sát, phi công F-16 được huấn luyện hàng ngày ở khu vực bán đảo Triều Tiên, mô phỏng tác chiến cả ngày lẫn đêm.

“Chúng tôi không biết khi nào chuyện gì sẽ xảy ra hay khi nào chúng tôi nhận lệnh tác chiến, do vậy chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi luôn sẵn sàng bất cứ khi nào. Sứ mệnh của chúng tôi ở đây là sẵn sàng chiến đấu mọi lúc... Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay”, phi công Daniel chia sẻ.

Minh Phương

Tổng hợp