1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lực lượng Mỹ bao quanh Triều Tiên có những gì?

(Dân trí) - Mỹ có gần 40.000 binh sĩ ở Nhật Bản, 35.000 binh sĩ ở Hàn Quốc và coi đảo Guam như một “tàu sân bay vĩnh cửu”.

Mỹ đã đặt dấu ấn quân sự lớn ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong bối cảnh Triều Tiên đe dọa tấn công tên lửa vào Mỹ, báo Guardian của Anh đã điểm lại sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực này.

Các căn cứ hải quân và không quân của Mỹ


Đồ họa: Guardian

Đồ họa: Guardian

Tại Nhật Bản


Máy bay chiến đấu tại một căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Máy bay chiến đấu tại một căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Nhật Bản là nơi đồn trú nhiều binh sĩ Mỹ ở nước ngoài nhất. Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này hiện đồn trú khoảng hơn 39.000 binh sĩ ở 112 căn cứ ở Nhật Bản.

Hồi tháng 4 năm nay, Không quân Mỹ đã điều hàng chục trực thăng, máy bay chiến đấu chiến thuật và máy bay trinh sát đến căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản trong một động thái được cho là nhằm “nắn gân” Triều Tiên.

Binh sĩ Mỹ chủ yếu đồn trú ở đảo Okinawa của Nhật Bản, cách lục địa Nhật Bản khoảng 640km về phía nam.

Hạm đội số 7


Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ (Ảnh: AFP)

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ (Ảnh: AFP)

Có trụ sở ở Nhật Bản, Hạm đội số 7 là đơn vị triển khai lớn nhất của Hải quân Mỹ với khoảng 50-70 tàu mặt nước và tàu ngầm, 140 máy bay và gần 20.000 thủy thủ trải khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan được triển khai thường trực tại Yokosuka và được coi là khí tài chủ chốt của Hạm đội số 7.

Ngoài ra, Hạm đội này cũng sở hữu 14 tàu khu trục, tàu tuần dương, trong đó một số tàu được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa, tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk và tên lửa phòng không. Hạm đội số 7 cũng vận hành 12 tàu ngầm hạt nhân.

Tại Hàn Quốc


Một xe tăng M1 Abrams của Mỹ tham gia diễn tập (Ảnh: Military)

Một xe tăng M1 Abrams của Mỹ tham gia diễn tập (Ảnh: Military)

Hàn Quốc là nơi đồn trú binh sĩ Mỹ ở nước ngoài lớn thứ ba với khoảng 35.000 binh sĩ. Tại đây, Mỹ triển khai hơn 300 xe tăng, trong đó có loại M1 Abrams và các xe thiết giáp.

Năm 1957, ba năm sau chiến tranh liên Triều, Mỹ lập ra Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) với vai trò là “lá chắn” ngăn các hành động khiêu khích của Triều Tiên để bảo vệ Hàn Quốc nếu cần thiết.

Hồi tháng 4, Mỹ đã lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc nhằm ngăn chặn mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Tại Guam


Guam được ví như tàu sân bay không chìm của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Guam được ví như "tàu sân bay không chìm" của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Guam trở thành “tâm bão” những ngày gần đây sau khi Triều Tiên dọa bắn 4 tên lửa vào khu vực này.

Guam là một đảo của Mỹ nằm ở phía Tây Thái Bình Dương. Đảo có diện tích khoảng 550km2 với dân số khoảng 160.000 người, cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên khoảng hơn 3.000km.

Mỹ hiện có khoảng 7.000 binh sĩ trên hòn đảo chiến lược này cùng với các căn cứ hải quân và không quân. Căn cứ không quân Andersen là nơi đồn trú của các máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ như B-1B, B-52. Căn cứ hải quân Guam là cảng đồn trú của nhiều tàu hải quân, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công hạt nhân và hai tàu tiếp liệu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Năm 2013, quân đội Mỹ đã triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Guam

Tại Thái Lan, Philippines và Singapore

Ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ cũng duy trì sự hiện diện quân sự nhỏ ở các nước Đông Nam Á, trong đó có 5 căn cứ quân sự ở Philippines.

Hải quân Mỹ cũng dự định triển khai 4 tàu chiến ở Singapore vào năm tới. Trong khi đó, Thái Lan đã cho phép máy bay quân sự Mỹ sử dụng đường băng ở nước này.

Hawaii

Mỹ hiện có gần 40.000 binh sĩ đồn trú ở Hawaii, bang của Mỹ gần bán đảo Triều Tiên nhất.

Đây là nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương với 375.000 nhân viên cả quân sự và dân sự, cùng 200 tàu chiến và hơn 1.000 máy bay chiến đấu.

Minh Phương

Theo Guardian