Bất đồng trong nội bộ Mỹ về chiến lược cho xung đột Nga - Ukraine
(Dân trí) - Giới chính trị và quân sự Mỹ xuất hiện 2 luồng quan điểm trái chiều về chiến lược kế tiếp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong các cuộc thảo luận về chiến sự Nga - Ukraine, tướng hàng đầu của Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, những tuần gần đây đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao khi cuộc chiến đang có dấu hiệu giảm nhịp độ vì mùa đông sắp tới.
Tuy nhiên, 2 nguồn thạo tin nói với CNN rằng, lời kêu gọi trên chưa nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ quan chức thân cận của Tổng thống Joe Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Chưa ai trong số họ tin rằng đã tới thời điểm để thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine.
Kết quả là, giới chức chính trị và quân sự Mỹ đang tranh luận về chiến lược hợp lý trong thời gian tới, rằng liệu những thành tựu mà Ukraine đạt được trong thời gian gần đây có nên trở thành chất xúc tác để thúc đẩy một phương án đàm phán nhằm khép lại chiến sự hay không.
Các tuyên bố của ông Milley về việc thúc đẩy đàm phán đã xuất hiện khá nhiều lần trong những ngày gần đây khi Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Kherson ở miền Nam.
Trong bài phát biểu hôm 9/11, ông Milley đánh giá cao thành tựu của Ukraine trong việc chặn đà tiến của Nga, thậm chí phản công thành công. Nhưng ông cũng thận trọng đánh giá rằng, một chiến thắng hoàn toàn về mặt quân sự cho Ukraine có thể ngoài tầm với vào lúc này.
"Khi có cơ hội để đàm phán, khi hòa bình có thể lập lại, hãy nắm bắt nó. Hãy nắm bắt khoảnh khắc này", ông Milley kêu gọi.
Theo các nguồn tin, bình luận của ông Milley không khiến chính quyền ông Biden ngạc nhiên vì đây được xem là quan điểm mà vị tướng Mỹ đã có từ trước. Một số quan chức lo ngại rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy nội bộ Mỹ có sự chia rẽ về mặt chiến lược ứng phó với căng thẳng Nga - Ukraine.
Trong các cuộc thảo luận nội bộ, ông Milley đã nêu rõ quan điểm rằng, ông không thúc giục Ukraine phải nhượng bộ Nga, mà cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để thúc đẩy con đường ngoại giao trước khi cuộc chiến tiếp tục bị kéo dài - diễn biến chắc chắc sẽ làm gia tăng thêm thương vong và tàn phá.
"Ông ấy không thúc giục Ukraine phải nhanh đàm phán với Nga. Đó là một cuộc thảo luận hướng tới việc dừng chiến sự để hướng tới một giải pháp khép lại giao tranh bằng biện pháp chính trị", một nguồn tin thân cận với ông Milley cho biết.
Tuy nhiên, không có nhiều quan chức trong chính quyền Mỹ ủng hộ điều này. Một nguồn tin nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ không cùng quan điểm với ông Milley. Điều này dẫn tới một tình huống đặc biệt khi giới quân sự lại ủng hộ phương án đàm phán hơn cả phía ngoại giao.
Bình luận của ông Milley được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đã chuyển nhiều vũ khí trong kho dự trữ của họ tới Ukraine tới mức một số loại hiện ở mức thấp báo động.
Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết, Mỹ được cho đang đàm phán với Hàn Quốc để mua 100.000 quả đạn pháo từ Seoul nhằm chuyển cho Ukraine.