Cơ hội nào cho đàm phán hòa bình sau khi Nga rút quân khỏi Kherson?
(Dân trí) - Nga đã rút quân khỏi Kherson, thành trì đầu tiên giành quyền kiểm soát ngay khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Câu hỏi đặt ra là, điều đó có tác động gì tới việc đàm phán hòa bình giữa hai nước?
Kể từ khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine từ cuối tháng 9, trong đó có Kherson, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ đàm phán với Moscow nếu ông Vladimir Putin vẫn là Tổng thống Nga.
Mới đây, hôm 8/11, Tổng thống Zelensky cho biết Kiev đã nhiều lần đề xuất các cuộc đàm phán với Nga, nhưng "luôn nhận được phản ứng từ Nga với các cuộc tấn công, pháo kích mới".
Ông Zelensky cũng nêu một loạt điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Nga gồm "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, bồi thường mọi thiệt hại do chiến tranh gây ra, trừng phạt mọi tội phạm chiến tranh và đảm bảo chiến tranh sẽ không tái diễn".
Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, nói rằng Nga đang yêu cầu Ukraine từ bỏ lãnh thổ và coi đây là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Ukraine không thể chấp nhận điều kiện này, do vậy các cuộc đàm phán không thể diễn ra ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, Nga bác bỏ và tuyên bố không đặt điều kiện cho đàm phán hòa bình với Ukraine.
"Về phía chúng tôi, không có điều kiện tiên quyết nào (để bắt đầu các cuộc đàm phán), ngoại trừ một điều rằng Ukraine nên thể hiện thiện chí", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói hôm 8/11.
Và cho đến nay, theo các chuyên gia, sau khi Nga tuyên bố rút quân một phần khỏi Kherson, các cuộc đàm phán về hòa bình ở Ukraine vẫn còn rất xa vời.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu nói, họ không thể thúc ép Ukraine và Nga ngồi vào bàn đàm phán, mặc dù một số nghị sĩ Mỹ đang đặt câu hỏi về việc viện trợ cho một cuộc xung đột không có hồi kết như thế này.
Thực tế cho thấy, các quan chức Nga và Ukraine đã đưa ra các bình luận khác nhau trong những ngày gần đây về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng, hơn 6 tháng sau khi các cuộc đàm phán trực tiếp được biết đến cuối cùng giữa hai bên đổ vỡ.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng họ không tin các cuộc đàm phán sẽ sớm bắt đầu khi cả hai bên đều cho rằng, việc tiếp tục tấn công, phản công như hiện tại sẽ giúp củng cố vị thế đàm phán cuối cùng của họ.
Họ cũng thừa nhận rằng rất khó để hình dung các điều khoản của một thỏa thuận mà Ukraine và Nga sẽ chấp nhận.
Lợi thế cho Ukraine?
Các quan chức Ukraine lạc quan về triển vọng của các cuộc phản công sau khi đạt được hiệu quả lớn bất ngờ vào mùa thu năm nay.
Tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine lại càng tăng lên sau khi Nga ra lệnh rút lui khỏi thành phố Kherson.
Có lẽ quan trọng hơn, các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, nguyên nhân là do người dân Ukraine đã trở nên quen dần và thích nghi với cuộc sống khó khăn hơn trong xung đột. Các quan chức cho biết, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Ukraine sẵn sàng nhượng bộ để chấm dứt xung đột, người dân của họ sẽ không chấp nhận điều đó.
Các quan chức Mỹ cho rằng, các cuộc tập kích mạnh mẽ gần đây của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine càng khiến các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt vì đã làm xói mòn bất kỳ sự ủng hộ nào của người dân đối với bất kỳ sự thỏa hiệp nào với Moscow.
Theo các chuyên gia, giờ đây quyết định rút khỏi thành phố Kherson sẽ đặt ra nhiều thách thức cho quân đội Nga.
Sau sự bối rối của quân đội ở Kherson, Nga sẽ càng ít có khả năng theo đuổi thỏa thuận hòa bình hơn và càng tăng gấp đôi nỗ lực gây áp lực với Kiev và phương Tây.
Giới quan sát cũng cho rằng, Nga sẽ cần dành thời gian để nhanh chóng đưa ra các phương án đáp trả sau khi buộc phải rút khỏi thành phố Kherson.
Hơn 8 tháng sau khi xung đột bùng nổ, các quan chức Mỹ và châu Âu khó có thể mô tả một kết cục hợp lý cho cuộc xung đột có thể chấp nhận được đối với cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine.
Tổng thống Biden hôm 9/11 cho rằng, chính người dân Ukraine là bên cuối cùng sẽ quyết định tình trạng của đất nước. Ông nói: "Nhà Trắng đã cam kết không đàm phán bất cứ điều gì về tương lai của Ukraine mà không có đại diện của Kiev".
Nhưng ông Biden phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ một số nghị sĩ Quốc hội. Khi cuộc xung đột tiếp diễn, các đảng viên Cộng hòa Hạ viện cho biết họ có kế hoạch tăng cường giám sát các khoản viện trợ của Mỹ cho Ukraine, đặc biệt là hỗ trợ nhân đạo.
Và một số nghị sĩ khác nói rằng, cần phải mở màn các cuộc đàm phán để ít nhất là có thể tìm được một điểm chung nào đó.
Tháng trước, 30 thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện đã gửi một lá thư gửi cho ông Biden (nhưng sau đó nhanh chóng rút lại) kêu gọi "tăng gấp đôi nỗ lực nhằm tìm kiếm một khuôn khổ thực tế cho việc ngừng bắn".
"Lằn ranh đỏ" là Crimea?
Các cuộc xung đột thường kéo dài nhiều năm.
Mỹ đã chiến đấu ở Afghanistan trong 20 năm ngay cả sau khi đã lật đổ chính quyền Taliban, và quân đội Mỹ đã tham gia nhiều cuộc chiến ở Iraq trong nhiều thập niên, mỗi cuộc chiến là sự tiếp nối của cuộc chiến cuối cùng. Và thường là các cuộc đàm phán hòa bình chỉ bắt đầu khi tất cả các bên đều kiệt sức hoặc một bên nhìn thấy thất bại trước mắt.
Chuyên gia Samuel Charap tại tổ chức Rand Corporation (Mỹ) nói, trong chiến tranh "việc tuyên bố kết thúc chiến tranh là trạng thái mà không ai hình dung được là có thể chấp nhận được ngay từ đầu".
Ở Ukraine, số phận của Crimea là một câu hỏi đặc biệt hóc búa vì cả Nga và Ukraine đều xem Crimea là tài sản mang tính biểu tượng và chiến lược trong cuộc xung đột.
Các nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định sẽ giành lại bán đảo này và các vùng đất khác mà Nga nắm quyền kiểm soát từ năm 2014.
Kiev và phương Tây đã khẳng định trong nhiều năm rằng, tình trạng của Crimea là "không thể thương lượng". Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã nhiều lần nói rằng, một trong những lý do chính để ủng hộ Ukraine là bảo vệ nguyên tắc cốt lõi là không thể thay đổi biên giới bằng vũ lực.
Colin H. Kahl, Thứ trưởng phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc, cho biết: "Về tình trạng cuối cùng của Crimea, đó sẽ là điều cần được đàm phán hoặc thảo luận giữa Ukraine và Nga".
Các cuộc tấn công của quân đội Ukraine nhằm vào Crimea, mặc dù là một viễn cảnh xa vời hiện nay, sẽ khiến Washington lo ngại hơn vì đe dọa leo thang xung đột.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu xem mục tiêu của họ lúc này là kiềm chế một cuộc chiến kéo dài đối với Ukraine và ngăn xung đột leo thang đến mức khiến Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Các quan chức Mỹ và châu Âu vẫn tranh cãi về khả năng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng một số nhà phân tích tin rằng, việc kiểm soát Crimea, nơi có Hạm đội Biển Đen của Nga, có thể là "lằn ranh đỏ" đối với Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết, quan điểm của ông Zelensky là muốn Nga trả lại Crimea và không quan tâm đến việc giao dịch bất kỳ thứ gì khác để chấm dứt chiến tranh.
Với Nga, Crimea cũng là vùng lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược và lịch sử, đóng vai trò như bàn đạp cho các hoạt động quân sự trên bộ ở khu vực phía Đông, bao gồm cuộc bao vây Mariupol.
Về mặt địa lý, Crimea nằm giữa Biển Đen và Biển Azov, tiếp giáp với Ukraine bằng một dải đất hẹp nhưng lại ngăn cách với lục địa Nga bằng Eo biển Kerch.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, sau khi giới chức ở khu vực này tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân. Kết quả cho thấy 96% cử tri Crimea ủng hộ sáp nhập. Ở thời điểm đó, phần lớn người dân đang sinh sống ở Crimea là người Nga, chiếm khoảng 60% dân số và ngôn ngữ Nga được coi là ngôn ngữ chính của bán đảo.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư nhiều vào đây và biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của mình. Năm 2018, Tổng thống Putin đã khánh thành cây cầu trị giá 4 tỷ USD nối Crimea với Nga qua eo biển này, còn gọi là cầu Kerch, cây cầu mới bị trúng đòn tấn công hồi tháng 10 khiến Moscow nổi giận tập kích đáp trả.
Sau tuyên bố rút khỏi thành phố Kherson, những hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga đang tiến hành gia cố các chiến hào và công sự tại khu vực phía bắc bán đảo Crimea. Các tuyến phòng thủ tại khu vực đông bắc Crimea cũng đang được khẩn trương nâng cấp. Các máy công trình hạng nặng đã được huy động để đào thêm các chiến hào mới.
Ông David Pyne, cựu sĩ quan tham mưu Lục quân Mỹ, cho rằng đã đến lúc Ukraine và phương Tây giữ chặt những thành quả mới nhất thay vì ôm mộng tái chiếm thêm lãnh thổ khác, nhất là Crimea.
Theo ông Pyne, chỉ có duy nhất một cách phương Tây có thể ngăn nguy cơ xung đột hạt nhân giữa Nga và Ukraine, đó là trở lại với bàn đàm phán.
Theo chuyên gia này, Tổng thống Biden cần kêu gọi một lệnh đình chiến và một thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông, việc Nga và Ukraine đàm phán sớm một lệnh ngừng bắn lâu dài, tránh leo thang thành xung đột hạt nhân cũng phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.