1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ lên tiếng việc hối thúc Ukraine đàm phán hòa bình với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Washington không có ý định thúc đẩy Ukraine tham gia đàm phán với Nga, nếu chính quyền Kiev chưa sẵn sàng.

Mỹ lên tiếng việc hối thúc Ukraine đàm phán hòa bình với Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng năm 2021 (Ảnh: AP).

"Quan điểm của chúng tôi không phải là hối thúc Ukraine vào bàn đàm phán khi họ chưa sẵn sàng, mà là đặt họ vào một vị trí để đảm bảo rằng, nếu họ sẵn sàng đàm phán, họ sẽ đàm phán từ thế mạnh", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl tuyên bố hôm 9/11.

Khi được hỏi liệu các hoạt động tác chiến chậm lại vào mùa đông có thể tạo thêm cơ hội cho Nga và Ukraine trong việc tập hợp lại lực lượng cũng như tham gia đàm phán ngoại giao hay không, quan chức Lầu Năm Góc cho biết: "Tôi không nghĩ kịch bản 2 kịch bản đó tách rời nhau. Tôi cho rằng đó sẽ là sự kết hợp của cả 2 kịch bản".

Theo ông Kahl, thời tiết xấu đi vào mùa đông sẽ khiến các cuộc "tấn công quy mô lớn" khó xảy ra hơn, theo đó các cuộc giao tranh ở Ukraine có thể sẽ chững lại. Quan chức Mỹ cho rằng, Nga và Ukraine cuối cùng sẽ quyết định có cơ hội đàm phán ngoại giao hay không.

Trước đó, Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyến khích các nhà lãnh đạo Ukraine ra tín hiệu cởi mở để đàm phán với Nga.

Theo các nguồn tin, đề nghị của các quan chức Mỹ không nhằm hối thúc Ukraine vào bàn đàm phán với Nga. Thay vào đó, họ coi đây là nỗ lực có tính toán để đảm bảo chính quyền Ukraine duy trì sự ủng hộ của các quốc gia khác, những nơi đang lo ngại về nguy cơ chiến tranh trong nhiều năm tới.

Các cuộc thảo luận cho thấy sự phức tạp trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Ukraine. Một mặt, các quan chức Mỹ cam kết hỗ trợ Kiev với số tiền viện trợ khổng lồ trong "bao lâu cũng được", mặt khác họ hy vọng giải quyết được cuộc xung đột kéo dài 8 tháng qua. Cuộc xung đột này đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Theo Washington Post, các quan chức Mỹ đồng ý với những đánh giá của các quan chức Ukraine rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện chưa sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, giới chức Ukraine cũng thừa nhận lệnh cấm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc đối thoại với ông Putin đã gây ra lo ngại ở cả châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, nơi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến giá lương thực và nhiên liệu.

Tổng thống Zelensky đầu tháng 10 đã ký sắc lệnh bác triển vọng đàm phán với người đồng cấp Nga Putin. Theo ông Zelensky, bất chấp mọi nỗ lực đàm phán hòa bình của Ukraine trong nhiều năm qua, Tổng thống Nga vẫn đưa ra tối hậu thư và phát lệnh tấn công Ukraine.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hồi tháng 10 nói rằng, cả Nga và Ukraine cần tìm cách đàm phán để chấm dứt xung đột nhưng Moscow dường như không muốn làm như vậy. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" khi kêu gọi hòa bình nhưng vẫn "cung cấp vũ khí quy mô lớn" cho Ukraine. 

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm