1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ dự đoán cục diện xung đột Nga - Ukraine năm 2024

Minh Phương

(Dân trí) - Năm tới sẽ là thời điểm thách thức đối với năng lực phòng thủ của Ukraine, song Nga cũng khó đạt được bước tiến đáng kể, báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ nhận định.

Báo Mỹ dự đoán cục diện xung đột Nga - Ukraine năm 2024 - 1

Xe tăng quân đội Ukraine (Ảnh: Reuters).

Một năm thách thức với Ukraine

Theo cây bút Marcus Walker của WSJ, xung đột Nga - Ukraine sẽ kéo dài sang năm thứ 3. Trong một cuộc giao tranh kéo dài như vậy, Nga được cho là sẽ chiếm ưu thế hơn cả về quân sự, chính trị và kinh tế.

Cụ thể, trong bài phân tích, tác giả Walker chỉ ra, Nga có khả năng bổ sung lực lượng nhiều hơn so với Ukraine. Trong khi đó, thế bế tắc chính trị ở Mỹ và châu Âu sẽ cản trở dòng chảy vũ khí và viện trợ của những nước này cho Kiev.

"Sự hỗn loạn của phương Tây và khả năng ngày càng tăng của Nga về nguồn nhân lực và công nghiệp cho cuộc xung đột báo hiệu một năm đầy khó khăn sắp tới đối với phòng thủ của Ukraine", bài viết lập luận.

Theo ông Kofman, nếu Ukraine không có những cách tiếp cận đúng đắn và không có sự hỗ trợ của phương Tây, triển vọng chiến thắng của Ukraine cũng rất mờ mịt.

WSJ cho rằng, phương Tây coi mục tiêu của Ukraine khôi phục toàn bộ biên giới là "không thực tế". Thậm chí, một số quan chức châu Âu lo ngại vị thế của Ukraine trên chiến trường có thể lung lay trong mùa đông này.

Ukraine thiếu hụt bộ binh sau khi hứng tổn thất lớn qua trận chiến Bakhmut và chiến dịch phản công mùa hè. Trong khi đó, lực lượng thay thế là những tân binh ở độ tuổi ngoài 40 và không được đào tạo bài bản.

"Ngoài ra, thiếu đạn dược cũng đồng nghĩa với Ukraine không thể tiến hành một cuộc phản công lớn khác trong ngắn hạn. Việc quân đội Ukraine thiết lập thành công đầu cầu ở bờ đông sông Dnieper ở tỉnh Kherson chỉ là điểm sáng nhỏ hiếm hoi", WSJ phân tích.

Trong khi đó, các sĩ quan Ukraine và chuyên gia phương Tây tin rằng quân đội Ukraine tuy đã kiệt sức nhưng vẫn có thể tổ chức phòng thủ hiệu quả bằng cách huy động nguồn lực và hạn chế Nga đạt được lợi ích cục bộ.

Bộ Quốc phòng Ukraine đang lên kế hoạch xây dựng các công sự phòng thủ mới sau khi chứng kiến các công sự của Nga ở miền nam Ukraine hoạt động hiệu quả như thế nào trong mùa hè vừa qua.

"Năm tới có thể được coi là năm xây dựng để tái thiết quân đội Ukraine", ông Kofman nhận định.

Theo ông, Kiev nên cải thiện việc huy động và huấn luyện quân đội, từ bỏ chiến dịch phản công và củng cố phòng tuyến của mình. "Nếu điều đó không xảy ra thì năm tới có thể sẽ trở thành bước ngoặt, sau đó Ukraine sẽ ngày càng rơi vào thế bất lợi", chuyên gia Kofman dự báo.

Nga khó đạt đột phá

Michael Kofman, học giả nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), nhận định: "Năm 2024, lợi thế chủ yếu nghiêng về phía Nga, nhưng chúng không đủ tính quyết định để giúp Nga đạt được các mục tiêu chính trị".

Tác giả Walker của WSJ cũng chỉ ra: "Những hạn chế của quân đội Nga trong cuộc tấn công, thể hiện trong trận chiến khốc liệt giành thành phố Avdiivka ở miền Đông Ukraine, cho thấy họ có thể chỉ đạt được những bước tiến nhỏ hơn là một bước đột phá".

Dù có nhiều lợi thế hơn, nhưng Nga cũng bộc lộ những hạn chế như trang thiết bị, phương tiện tác chiến của họ thường cũ hơn, chất lượng thấp hơn so với ở giai đoạn đầu xung đột.

Tương tự Ukraine, lực lượng Nga cũng gặp khó trong việc tiến quân qua địa hình mở bị rải mìn, khi bên trên là máy bay không người lái của đối phương có thể tập kích bất cứ lúc nào.

Tháng trước, Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny nhận định, chiến trường Ukraine đang rơi vào bế tắc và sẽ không có đột phá nào trong thời gian tới. Theo ông, bên nào chiếm ưu thế về công nghệ cao mới có thể phá vỡ được sự bế tắc đó.

Mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ ý kiến này, song bình luận của ông Zaluzhny có thể làm dấy lên những nghi ngại ở các nước phương Tây vốn hỗ trợ Kiev gần 2 năm qua.

Truyền thông đưa tin, gần đây, Mỹ và Đức được cho là đang tìm cách đưa Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga thông qua việc giảm viện trợ cho Kiev.

Theo Pravda, WSJ
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine