1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương Tây lỡ hẹn viện trợ, Ukraine đủ sức cầm cự trước cơn khát đạn pháo?

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc thiếu nguồn cung đạn pháo từ phương Tây đã đặt ra cho Ukraine thách thức lớn khi cuộc xung đột với Nga vẫn tiếp diễn.

Phương Tây lỡ hẹn viện trợ, Ukraine đủ sức cầm cự trước cơn khát đạn pháo? - 1

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo (Ảnh: AFP).

Ukraine đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt về việc thiếu hụt đạn pháo cỡ nòng 155mm sau khi Israel bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza. Liệu Ukraine có thể cầm cự được bao lâu trong tình trạng thiếu đạn dược?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phàn nàn với truyền thông phương Tây rằng, việc cung cấp đạn pháo cỡ nòng 155mm từ NATO đã giảm mạnh kể từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu nổ ra.

Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức Ukraine nói rằng nguồn cung đạn pháo gần đây đã giảm mạnh "hơn 30%". Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ lập luận rằng việc giảm nguồn cung đạn dược "hoàn toàn không liên quan đến những gì đang xảy ra ở Gaza".

"Quả thực, cường độ hỏa lực (ở khu vực xung đột) đã giảm mạnh. Ukraine không có khả năng sản xuất đạn dược của phương Tây. Bây giờ họ thực sự gặp vấn đề. Họ có thể sản xuất đạn pháo của Liên Xô, nhưng năng lực công nghiệp của họ đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng", Anatoly Matviychuk, chuyên gia quân sự và là người có kinh nghiệm trong các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan và Syria, nói với Sputnik.

Theo chuyên gia Matviychuk, Nga hiện sử dụng khoảng 25.000-50.000 quả đạn pháo cỡ nòng khác nhau mỗi ngày. Trong khi đó, Ukraine đáp trả chỉ bằng 7.000-11.000 quả đạn pháo.

Chuyên gia Matviychuk lưu ý rằng, trong khi quân đội Ukraine vẫn pháo kích mạnh mẽ vào các khu dân cư ở vùng Donbass phía đông, hoạt động của họ ở tiền tuyến đang giảm dần.

"Ukraine không có ưu thế trên không. Hỏa lực của pháo binh và vũ khí tầm xa (Ukraine) do Anh, Mỹ và Đức cung cấp cho nước này đang suy giảm. Tôi tin rằng trong tương lai gần, đặc biệt là trong đợt lạnh giá mùa đông, họ sẽ bắt đầu chịu thất bại về mặt hỏa lực", chuyên gia Matviychuk nhận định.

Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Ukraine?

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi nguồn viện trợ do Mỹ cấp cho Ukraine trước đây với sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ đang cạn kiệt dần.

Lô viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ trị giá 100 triệu USD, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố trong chuyến thăm Kiev gần đây, được trích ra từ gói viện trợ hiện tại. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang phản đối gói viện trợ mới, do Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu, trị giá 61 tỷ USD.

Vào đầu tháng 11, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua một dự luật nhằm cung cấp 14,3 tỷ USD viện trợ quân sự cho Israel, trong khi Ukraine bị "ngó lơ". Sau đó, Thượng viện Mỹ đã chặn đề xuất này nhằm buộc đảng Cộng hòa phải xem xét gói viện trợ kết hợp cho cả Israel và Ukraine.

Cuộc tranh luận đang tiếp diễn, tuy nhiên nghị sĩ Marjorie Taylor Greene của bang Georgia cảnh báo rằng phe Cộng hòa sẽ "nổi giận" nếu Hạ viện bật đèn xanh hàng tỷ USD viện trợ cho Kiev trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh biên giới trong nước. Theo các cuộc thăm dò gần đây, 59% số người được hỏi của đảng Cộng hòa nói rằng chính phủ đang chi quá nhiều cho Ukraine.

Châu Âu sẽ cấp thêm đạn pháo cho Ukraine?

Phương Tây lỡ hẹn viện trợ, Ukraine đủ sức cầm cự trước cơn khát đạn pháo? - 2

Lính Ukraine khai hỏa ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận EU khó có thể đạt được mục tiêu gửi một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3 tới. Trong khi đó, mấu chốt của vấn đề là Ukraine đã tiêu thụ đạn pháo nhanh hơn mức mà Mỹ và các đồng minh NATO có thể sản xuất.

Theo chuyên gia Matviychuk, việc kho dự trữ của quân đội EU cạn kiệt chỉ là một phần của vấn đề. Ông cho rằng, điều quan trọng là châu Âu nghi ngờ về việc đổ thêm đạn và tiền vào Ukraine.

"Hiện tại ở Hà Lan, tân thủ tướng đã đặt câu hỏi về tính khả thi của việc cung cấp thiết bị và vũ khí cho Ukraine. Tôi nghĩ châu Âu đang mắc kẹt trong một tình huống đặc biệt. Không có khí đốt, hoặc khí đốt rất đắt đỏ, nền kinh tế bắt đầu suy thoái. Vì vậy, tôi nghĩ rằng khi cuộc xung đột này kéo dài, châu Âu sẽ bắt đầu tránh xa, bởi vì họ phải giải quyết các vấn đề trong nước. Họ cần giải quyết vấn đề của chính mình chứ không phải vấn đề của Ukraine", ông Matviychuk nói.

Chuyên gia Matviychuk nghi ngờ kịch bản châu Âu tập trung nguồn lực kinh tế vào sản xuất đạn pháo và thiết bị quân sự trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của Kiev.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Matviychuk tin rằng Nga có thể chờ đợi. Ông dự đoán một kịch bản đột phá khi Ukraine rút khỏi các vị trí hiện tại, thậm chí Kiev có thể đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình.

Giải pháp cho "cơn khát" đạn pháo

Tướng Valery Zaluzhny, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển và ứng dụng các công nghệ mới để phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Khi Ukraine cố gắng phát triển hệ thống pháo binh của riêng họ, Kiev có tiềm năng tận dụng những tiến bộ từ lĩnh vực thương mại. 

Ukraine cũng có tiềm lực trong việc chế tạo vũ khí. Họ được đánh giá đủ tiềm lực để quân sự hóa công nghệ thương mại, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong lĩnh vực pháo binh, AI có tiềm năng trở thành một công cụ hữu ích, giảm thời gian cần thiết để nhắm mục tiêu vào lực lượng đối phương, đồng thời giúp đạn pháo trở nên chính xác hơn, từ đó tiết kiệm đạn nhưng vẫn đạt được hiệu quả cần thiết.

Ukraine đã bắt đầu điều chỉnh chiến thuật pháo binh để bắt kịp Nga. Ví dụ, Ukraine đã và đang sử dụng các loại máy bay không người lái (UAV) bay lảng vảng tương đương như Lancet để chống lại Nga, bao gồm Switchblade của Mỹ và Warmate của Ba Lan, cả hai đều có khả năng tương đương với Lancet của Nga.

Ngoài ra, Ukraine đã nhận được một số hệ thống tác chiến điện tử trong các gói viện trợ nước ngoài, có thể làm gián đoạn UAV và đạn chính xác của Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực này được xem là chưa đủ khi Ukraine khó có thể bắt kịp được Nga nếu chỉ trông chờ vào viện trợ nước ngoài.

Theo Sputnik, Forbes