Ba Lan cân nhắc về việc bắn hạ tên lửa Nga trên không phận Ukraine
(Dân trí) - Ba Lan tuyên bố đang cân nhắc về việc sử dụng hệ thống phòng không của nước này nhằm bắn tên lửa Moscow bay trên không phận Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Pawel Wronski cho biết phương án bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine bằng hệ thống phòng không của Warsaw đang được mang ra xem xét, nhưng quốc gia NATO chưa có quyết định cụ thể nào.
Quan chức Wronski nói với hãng tin Ukrinform: "Việc này (Ba Lan bắn rơi tên lửa Nga) đang được cân nhắc từ quan điểm pháp lý và kỹ thuật, nhưng chưa có quyết định nào về vấn đề này".
Ông cũng bác bỏ phương án đưa hệ thống phòng không Ba Lan tới Ukraine. "Không thể có chuyện hệ thống phòng không của Ba Lan nằm ngoài biên giới đất nước", nhà ngoại giao nhấn mạnh.
Ngày 20/5, trả lời phỏng vấn Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước láng giềng là thành viên NATO bắn hạ các mục tiêu Nga trên không phận Ukraine.
Một ngày sau đó, ông Zelensky tiếp tục đề nghị các nước thành viên NATO bắn rơi tên lửa của Nga trên bầu trời Ukraine và cho rằng động thái này không thể được coi là gây chiến với Nga.
"Vấn đề ở đây là gì? Tại sao chúng ta không thể bắn hạ những tên lửa đó? Có phải đó là phòng thủ? Đúng vậy. Đó có phải là một cuộc tấn công vào Nga? Không phải. Bạn đang bắn hạ máy bay Nga và hạ phi công Nga không? Không phải. Vậy có vấn đề gì không? Không có vấn đề nào cả", ông Zelensky nói.
Trong thời gian qua, một số chính trị gia ở các nước NATO đã kêu gọi khối liên minh bắn rơi tên lửa, UAV Nga trên không phận Ukraine. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ quyết định nào về việc này được đưa ra.
Hồi đầu tháng, một số nhà lập pháp Đức thuộc cả đảng cầm quyền và phe đối lập đều ủng hộ ý tưởng NATO giúp bảo vệ không phận phía tây Ukraine khỏi các cuộc tấn công từ Nga. Việc đánh chặn tên lửa, UAV Nga sẽ được thực hiện từ lãnh thổ NATO, các nghị sĩ nhấn mạnh.
Vào tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna cho biết, NATO đang cân nhắc bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Nga ở gần biên giới các nước thành viên.
"NATO đang phân tích nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả phương án những tên lửa như vậy nên bị bắn hạ khi chúng ở gần biên giới NATO, nhưng điều này sẽ phải được thực hiện với sự đồng ý của phía Ukraine và có tính đến các hậu quả quốc tế. Khi đó tên lửa NATO sẽ đánh trúng tên lửa Nga ngoài lãnh thổ liên minh", nhà ngoại giao Ba Lan nói.