1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan củng cố biên giới sau cảnh báo nguy cơ Nga "tấn công quân sự"

Thành Đạt

(Dân trí) - Ba Lan sẽ chi 2,5 tỷ USD để củng cố biên giới phía đông, tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa được cho là ngày càng tăng từ Nga và Belarus.

Ba Lan củng cố biên giới sau cảnh báo nguy cơ Nga tấn công quân sự - 1

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (trái) thăm lính gác ở biên giới với Belarus hôm 11/5 (Ảnh: EPA).

"Chúng tôi đã quyết định đầu tư 10 tỷ zloty (2,5 tỷ USD) vào an ninh của mình và trên hết là đảm bảo an ninh biên giới phía đông", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 18/5.

"Chúng tôi đang bắt đầu một dự án lớn nhằm xây dựng biên giới an toàn, bao gồm một hệ thống công sự, cũng như đưa ra các quyết định về cảnh quan và môi trường để khiến biên giới này không thể bị đối thủ tiềm tàng xâm nhập", ông Tusk nói thêm.

Chính phủ Ba Lan trước đó đã xây dựng một hàng rào ở biên giới Ba Lan - Belarus dài hơn 180km và cao 5,5m để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Các hệ thống camera và cảm biến giám sát biên giới cũng được trang bị.

Biên giới Ba Lan với Belarus đã trở thành điểm nóng kể từ khi người di cư bắt đầu đổ xô đến nước này vào năm 2021, sau khi Minsk, một đồng minh thân cận của Nga, mở các công ty du lịch ở Trung Đông cung cấp một tuyến đường không chính thức mới vào châu Âu. Liên minh châu Âu cho rằng động thái này là nhằm kích  động khủng hoảng.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, mối quan hệ thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn, với việc Warsaw tăng cường chi tiêu quốc phòng và cáo buộc Minsk và Moscow cố gắng gây bất ổn cho Ba Lan.

Thủ tướng Tusk đã công bố kế hoạch củng cố biên giới phía đông vào đầu tháng 5, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết. Ông cũng cho biết sẽ trao đổi với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu vào ngày 20/5 về khoản vay 500 triệu zloty để phát triển mạng lưới vệ tinh của Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu.

Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu là một kế hoạch phòng không chung được Đức thiết lập vào năm 2022 nhằm tăng cường phòng không cho khu vực châu Âu. Ông Tusk đã so sánh hệ thống này với hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Bild của Đức được đăng tải hồi tháng 4, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết Ba Lan sẽ "không ngạc nhiên" nếu Nga tấn công nước này, nhưng cuối cùng Moscow sẽ thua.

"Nga đã tấn công Ba Lan nhiều lần trong 500 năm lịch sử của chúng tôi. Nhưng trong kịch bản này, Nga sẽ thua, bởi vì chúng tôi, phương Tây, mạnh hơn Nga rất nhiều", ông Sikorski nói.

Khi được hỏi liệu các thành viên NATO có thể bị Nga tấn công trong tương lai hay không, Ngoại trưởng Sikorski cho biết các chính trị gia Đức "dường như thừa nhận Nga sẽ chỉ sẵn sàng hành động trong 4 hoặc 5 năm nữa và đến lúc đó, Đức cũng sẽ sẵn sàng".

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine leo thang. Ông nói rằng, Warsaw có lập trường như vậy là do "Nga đang ngày càng quân sự hóa" vùng Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania và Moscow cũng triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 18/5 cho biết, Nga có thể phải mở rộng vùng đệm an ninh ở Ukraine đến biên giới Ba Lan, thậm chí vào bên trong lãnh thổ Ba Lan. Theo ông, nếu Nga không làm như vậy "an ninh tại các thành phố và làng mạc của Nga sẽ không được đảm bảo".

Tuy nhiên, kịch bản vùng đệm an ninh mở rộng đến biên giới Ba Lan khó xảy ra bởi động thái đó có thể sẽ kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể. Ba Lan là thành viên của NATO. Bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một nước thành viên sẽ bị coi là tấn công hay đe dọa toàn liên minh quân sự gồm 32 thành viên này, khi đó NATO có quyền đáp trả tập thể.

Theo Reuters