Nghị sĩ Đức kêu gọi NATO bắn rơi tên lửa, UAV Nga trên không phận Ukraine
(Dân trí) - Nhóm các nhà lập pháp Đức kêu gọi phương Tây hỗ trợ Ukraine bắn hạ tên lửa, UAV của Nga.
FAZ ngày 11/5 đưa tin, một số nhà lập pháp Đức thuộc cả đảng cầm quyền và phe đối lập đều ủng hộ ý tưởng NATO giúp bảo vệ không phận phía tây Ukraine khỏi các cuộc tấn công từ Nga. Việc đánh chặn tên lửa, UAV Nga sẽ được thực hiện từ lãnh thổ NATO, các nghị sĩ nhấn mạnh.
Theo FAZ, một số chuyên gia như Nico Lange từ Hội nghị An ninh Munich hay Trung tướng Heinrich Brauss, cựu phó tổng thư ký NATO, đã từng gợi ý về việc khối liên minh quân sự phương Tây có thể bắn hạ tên lửa Nga trên khu vực biên giới Ukraine với Ba Lan và Romania.
Các quan chức Ba Lan cũng đã đề cập tới khả năng này nhưng chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra.
Nghị sĩ Anton Hofreiter thuộc Đảng Xanh của Đức cho rằng, NATO có thể giúp Ukraine bảo vệ phần không phận ở phía tây trước hỏa lực của Nga.
Ông nhấn mạnh chủ đề này vẫn chưa được đưa ra thảo luận vì NATO tới nay vẫn đang tập trung vào việc cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine.
Agnieszka Brugger, một nghị sĩ thuộc Đảng Xanh của Đức, cũng cho rằng việc NATO "đặt các hệ thống phòng không ở biên giới các nước để khu vực phía tây Ukraine cũng có thể được bảo vệ" là hành động đúng đắn.
Trong khi đó, ông Roderich Kiesewetter từ đảng đối lập Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cho rằng các nước phương Tây có thể bắn hạ hỏa lực mà Nga phóng vào Ukraine.
"Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho lực lượng phòng không Ukraine và cho phép lực lượng này bảo vệ các khu vực trên tiền tuyến", ông Kiesewetter nói, nhắc lại cách mà Mỹ và các nước phương Tây khác bảo vệ không phận của Israel trước các cuộc tấn công của Iran mà không trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Marcus Faber từ Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của liên minh cầm quyền cũng đồng tình rằng, về nguyên tắc, "không phận trên khu vực biên giới Ukraine" có thể được "bảo vệ bởi hệ thống phòng không trên lãnh thổ NATO".
Tuy nhiên, ông Faber lưu ý rằng các hệ thống phòng không và tên lửa đang thiếu hụt nên nguồn cung cấp đạn dược dài hạn phải được đảm bảo.
Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hỗ trợ đảm bảo năng lực phòng không cho Ukraine, khi đã viện trợ cho Ukraine nhiều hệ thống phòng thủ hiện đại trong thời gian qua.
Trong thời gian qua, Ba Lan đã vài lần cáo buộc tên lửa của Nga vi phạm không phận của quốc gia NATO khi Moscow tấn công vào phía tây Ukraine.
Hồi tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna cho biết, NATO đang cân nhắc bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Nga ở gần biên giới các nước thành viên. Theo ông Szejna, đề xuất đó cũng cần được sự ủng hộ của Ukraine.
"NATO đang phân tích nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả phương án những tên lửa như vậy nên bị bắn hạ khi chúng ở gần biên giới NATO, nhưng điều này sẽ phải được thực hiện với sự đồng ý của phía Ukraine và có tính đến các hậu quả quốc tế. Khi đó tên lửa NATO sẽ đánh trúng tên lửa Nga ngoài lãnh thổ liên minh", nhà ngoại giao Ba Lan nói.