1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan bác bỏ đề xuất lập quân đội châu Âu của Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao Ba Lan cho biết quốc gia thành viên EU và NATO không ủng hộ đề xuất của Ukraine nhằm lập ra một lực lượng quân đội châu Âu.

Ba Lan bác bỏ đề xuất lập quân đội châu Âu của Ukraine - 1

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (Ảnh: Reuters).

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc thành lập một "lực lượng quân đội châu Âu".

Ba Lan luôn kiên quyết phản đối ý tưởng về một lực lượng quân sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) và mạnh mẽ ủng hộ vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh tại châu lục này.

"Tôi nghĩ chúng ta nên cẩn trọng với thuật ngữ này vì mỗi người hiểu theo một cách khác nhau. Nếu bạn hiểu điều đó là sự hợp nhất các quân đội quốc gia, thì điều đó sẽ không xảy ra", ông Sikorski nhấn mạnh.

Ông bổ sung rằng việc củng cố năng lực quốc phòng của EU nên là một phần bổ trợ cho các nỗ lực do NATO dẫn đầu, chứ không phải thay thế chúng.

Ông Zelensky đã kêu gọi thành lập một lực lượng quân đội châu Âu thống nhất tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua, một ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đưa ra những chỉ trích gay gắt đối với các quốc gia châu Âu.

Ukraine cũng bày tỏ mong muốn trở thành "xương sống" của lực lượng này nhằm bảo đảm an toàn cho châu Âu trước Nga trong tương lai. 

Hiện tại, 22 quốc gia EU là thành viên NATO, với liên minh do Mỹ lãnh đạo đóng vai trò chủ đạo trong chính sách an ninh của châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trong quá khứ, một số lãnh đạo EU từng đề xuất ý tưởng hợp nhất quân đội của họ thành một lực lượng chung, độc lập với Mỹ.

Vào tháng 11/2023, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak tuyên bố rằng "bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa NATO và EU trong lĩnh vực an ninh đều là điều rất tồi tệ" và khẳng định Warsaw đã chọn hợp tác chặt chẽ với Mỹ thay vì "một đội quân châu Âu tưởng tượng nào đó".

Những năm gần đây, Ba Lan đã tăng cường đáng kể hợp tác quân sự với Washington, bao gồm mua hệ thống pháo phản lực HIMARS trị giá 10 tỷ USD, nhận khoản vay 2 tỷ USD từ Mỹ để hiện đại hóa quân đội, và hiện là nơi đặt căn cứ thường trực đầu tiên của Mỹ tại Poznan.

Trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc thành lập một quân đội chung của EU. Năm 2019, ông Macron kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu theo đuổi chính sách "tự chủ chiến lược" khỏi Washington.

Ý tưởng về một quân đội chung cũng được Italy đưa ra vào tháng 1 năm ngoái. Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani lập luận rằng EU không thể có một chính sách đối ngoại đáng tin cậy nếu thiếu một lực lượng quân sự chung.

Cuộc xung đột ở Ukraine dường như đã làm giảm bớt các cuộc thảo luận về vấn đề này. Ông Macron đã thay đổi giọng điệu về NATO và hiện ủng hộ mở rộng liên minh do Mỹ dẫn dắt. Người kế nhiệm bà Merkel, Thủ tướng Olaf Scholz, vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của một EU "có chủ quyền hơn", nhưng không còn nhắc đến việc xây dựng "một quân đội châu Âu thực sự."

Khi ý tưởng về một lực lượng châu Âu lần đầu xuất hiện cách đây hai thập niên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, William Cohen, từng gọi đó là "mối đe dọa đối với sự tồn tại của NATO".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine