1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU tung gói trừng phạt thứ 4, tước quy chế tối huệ quốc với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) thông báo áp đặt gói trừng phạt mới với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

EU tung gói trừng phạt thứ 4, tước quy chế tối huệ quốc với Nga - 1

Một tòa nhà ở Kiev bị phá hủy sau trận giao tranh (Ảnh: AFP).

Pháp, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), ngày 14/3 thông báo, sau khi "tham vấn các đối tác quốc tế", EU thông qua gói trừng phạt thứ 4 nhắm vào các cá nhân và thực thể liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, cũng như một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga".

Ngoài ra, Pháp cho biết EU cũng đã thông qua một tuyên bố với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) "về việc đình chỉ áp dụng quy chế tối huệ quốc đối với Nga và tạm dừng việc xem xét đơn xin gia nhập WTO của Belarus".

Nếu Nga bị đình chỉ quy chế tối huệ quốc, các công ty của nước này sẽ không còn được đối xử đặc biệt trong WTO.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden ngày 11/3 tuyên bố Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, gọi đây là "đòn giáng mạnh tiếp theo vào nền kinh tế Nga". Ông Biden tuyên bố Nga sẽ phải "trả giá" do chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Đối xử tối huệ quốc là nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó các nước thành viên được đối xử như nhau, không có sự phân biệt đối xử. Việc bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga cho phép Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.

Động thái của Mỹ và đồng minh sẽ gây thêm sức ép đối với nền kinh tế Nga, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Đây là những bước mới nhất mà chúng tôi thực hiện, nhưng không phải là những bước cuối cùng", ông Biden cảnh báo.

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo Bloomberg, Nga trở thành quốc gia hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới, với 2.778 lệnh mới chỉ trong 2 tuần, nâng tổng cộng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này lên 5.530.

Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Cùng ngày, Anh cũng tuyên bố sẽ cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga từ cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - khách hàng lớn nhất của ngành năng lượng Nga - cam kết sẽ giảm dần phụ thuộc vào Moscow.

Tuần trước, các quốc gia thành viên EU đã đồng ý áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với 160 cá nhân, đồng thời bổ sung các biện pháp hạn chế mới đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ liên lạc vô tuyến và điều hướng hàng hải của Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết gói trừng phạt thứ 4 sẽ cô lập Nga hơn nữa "và làm cạn kiệt các nguồn lực mà Nga sử dụng cho cuộc chiến tại Ukraine".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn, đồng thời khẳng định Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine