Vì sao 7 món ăn Tết này mang lại may mắn cho người Trung Quốc?
(Dân trí) - Cùng khám phá những món ăn truyền thống của người Trung Quốc giúp đem lại tài lộc, hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.
Người Trung Quốc quan niệm, năm mới là thời điểm để khởi đầu mọi điều tốt đẹp. Vì vậy, ẩm thực trong dịp này không chỉ đơn thuần là những món ăn ngon, mà còn mang ý nghĩa cầu mong may mắn, sức khỏe và tài lộc. Mỗi món ăn được lựa chọn cẩn thận dựa trên cách phát âm, hình dáng hoặc ý nghĩa văn hóa.
Chẳng hạn, cá nguyên con, với cách đọc "ngư" gần giống từ "dư" trong tiếng Trung, biểu trưng cho sự dư dả và thịnh vượng. Hay món há cảo được nặn cầu kỳ như những bao lì xì mang đến tài lộc. Tất cả đều thể hiện sự trân trọng và niềm tin vào một năm mới an khang, thịnh vượng.
Cá
Trong tiếng Trung, từ "cá" (鱼 - yú) được phát âm giống từ "thặng dư" (余 - yú), mang ý nghĩa tượng trưng cho sự dư dả và thịnh vượng. Vì vậy, cá trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong bữa tối mừng năm mới của người Trung Quốc. Theo quan niệm, nếu cuối năm, mọi người có tài chính dư dả, năm mới sẽ càng thịnh vượng hơn.
Theo phong tục ở miền Bắc sông Dương Tử (Trung Quốc), cá là món cuối cùng được dọn ra và phải để lại một ít sau bữa ăn, thể hiện mong muốn "dư dả quanh năm". Ở các khu vực khác, đầu và đuôi cá thường được giữ lại và không ăn cho đến ngày đầu năm mới, với hy vọng năm mới sẽ có khởi đầu và kết thúc suôn sẻ.
Một trong những cách chế biến cá phổ biến nhất là hấp. Mọi người có thể chế biến các loại cá như cá chép diếc, cá chép bùn, cá trê để thưởng thức trong ngày đầu năm mới.
Sủi cảo
Với lịch sử hơn 1.800 năm, sủi cảo là món ăn truyền thống mang ý nghĩa may mắn, đặc biệt phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Đây cũng là món ăn thường được thưởng thức vào đêm giao thừa, tượng trưng cho sự đoàn tụ và thịnh vượng.
Hình dáng của sủi cảo được làm giống thỏi bạc thời xưa (có dạng thuyền, bầu dục và cong lên ở hai đầu). Theo quan niệm dân gian, càng ăn nhiều sủi cảo trong dịp năm mới, bạn càng có cơ hội tích lũy được nhiều tài lộc trong năm tới.
Sủi cảo thường được làm từ lớp vỏ bột mỏng, dẻo dai bao bọc nhân gồm thịt băm và rau thái nhỏ. Nhân sủi cảo phổ biến nhất là thịt lợn băm, tôm thái hạt lựu, cá, thịt gà xay, thịt bò hoặc kết hợp với các loại rau. Cách chế biến rất đa dạng, bao gồm luộc, hấp, chiên hoặc nướng.
Hầu hết người dân Trung Quốc đều biết cách làm món bánh truyền thống này. Đầu tiên, họ nhào bột và cán mỏng thành những miếng vỏ tròn.
Sau đó, nhân được đặt vào giữa vỏ, gói kín bằng cách véo mép bột, tạo hình theo ý muốn. Cuối cùng, sủi cảo sẽ được nấu chín theo cách luộc hoặc hấp để giữ hương vị truyền thống.
Gà nguyên con
Trong văn hóa Trung Quốc, từ "gà" (鸡 - ji) phát âm giống với từ (吉 - jí), mang ý nghĩa "may mắn" và "thịnh vượng". Do đó, gà là món ăn phổ biến, được yêu thích trong các bữa tiệc đoàn tụ dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, gà thường được phục vụ nguyên con - bao gồm cả đầu và chân - biểu trưng cho sự "thống nhất" và "toàn vẹn". Hình ảnh gà nguyên con trên bàn tiệc còn mang ý nghĩa cầu mong một khởi đầu tốt đẹp và kết thúc viên mãn cho năm mới.
Gà trong các bữa tiệc Tết thường được chế biến theo cách truyền thống như om, quay hoặc hấp với những nguyên liệu đơn giản như gừng, hành lá hoặc nước tương. Gà nguyên con được dâng lên tổ tiên và các vị thần để bày tỏ lòng thành kính, cầu mong sự ban phước và bảo vệ cho gia đình trong năm mới.
Một điểm thú vị là chân gà có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc. Người kiếm tiền chính trong gia đình thường được ưu tiên ăn chân gà. Bởi trong tiếng Trung, từ "móng vuốt" của gà đồng âm với từ "tóm lấy" hoặc "nắm bắt". Điều này được xem như lời chúc họ sẽ "nắm bắt" được nhiều cơ hội và tài lộc trong năm mới.
Bánh nếp
Bánh nếp (年糕 - níangāo) là món ăn truyền thống và may mắn thường xuất hiện trong các bữa tiệc Tết Nguyên đán, đặc biệt vào đêm giao thừa. Tên gọi "níangāo" trong tiếng Trung mang ý nghĩa "ngày càng cao hơn theo năm tháng", tượng trưng cho sự phát triển, tiến bộ và thịnh vượng.
Trong quan niệm của người Trung Quốc, ăn bánh nếp vào dịp đầu năm là lời chúc cho một năm mới thành công, sự nghiệp thăng tiến và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bánh nếp được làm từ các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đường, hạt dẻ, táo tàu và lá sen. Tùy theo vùng miền, cách chế biến bánh nếp có thể khác nhau.
Ở miền Bắc Trung Quốc, bánh nếp thường có vị ngọt và được hấp hoặc chiên. Trong khi đó, ở miền Nam, bánh nếp có thể được chế biến với các nguyên liệu mặn như thịt xông khói hoặc xúc xích để tạo nên hương vị độc đáo.
Không chỉ là món ăn, bánh nếp còn mang giá trị tinh thần sâu sắc. Khi làm bánh, các thành viên trong gia đình thường cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, quây quần bên nhau, thể hiện sự đoàn kết và gắn bó. Ngoài ra, hình dạng tròn hoặc vuông của bánh nếp cũng mang ý nghĩa "trọn vẹn" và "đầy đủ".
Mỳ trường thọ
Mỳ trường thọ là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc. Món ăn này mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho lời chúc trường thọ, sức khỏe dồi dào và cuộc sống dài lâu.
Đặc trưng của loại mỳ này là sợi mỳ dài hơn so với mỳ thông thường và được chế biến mà không cắt nhỏ, tượng trưng cho sự liền mạch và không gián đoạn của cuộc đời.
Theo quan niệm truyền thống, khi thưởng thức mỳ, sợi mỳ càng dài thì cuộc sống càng kéo dài. Vì thế, ăn mỳ trường thọ trong dịp Tết hoặc ngày sinh nhật được coi là mang lại may mắn và phúc lộc cho người ăn.
Thịt viên đầu sư tử
Thịt viên đầu sư tử là món ăn đặc trưng trong dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc, nổi tiếng nhất ở khu vực Thượng Hải và các tỉnh phía Đông. Món ăn này không chỉ hấp dẫn bởi hương vị, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa truyền thống.
Thịt viên được làm từ thịt lợn băm nhuyễn, kết hợp cùng các gia vị và thành phần bổ trợ như hành, gừng và trứng, tạo nên độ mềm mịn, mọng nước.
Những viên thịt tròn to, thường được hấp hoặc om chậm, sau đó phủ một lớp nước sốt đặc quánh, đậm đà vị ngọt và mặn. Món ăn được dùng kèm với rau xanh như cải thìa hoặc cải chíp, giúp cân bằng vị giác và tăng thêm phần hấp dẫn.
Tên gọi "đầu sư tử" xuất phát từ hình dáng của viên thịt tròn lớn, khi bày trên đĩa gợi liên tưởng đến chiếc bờm xù của sư tử. Trong văn hóa Trung Quốc, sư tử tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền và sự bảo vệ. Hình tròn của thịt viên biểu tượng cho sự đoàn kết, trọn vẹn và hòa thuận trong gia đình.
Tôm
Tôm là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Quảng Đông (Trung Quốc) không chỉ bởi hương vị thơm ngon, mà còn nhờ ý nghĩa đặc biệt mà nó mang lại trong văn hóa truyền thống.
Trong tiếng Quảng Đông, từ "tôm" được phát âm là (虾 - ha), gợi lên âm thanh tương tự tiếng cười vui vẻ. Vì vậy, món tôm trở thành biểu tượng của hạnh phúc, niềm vui và may mắn, mang theo lời chúc một năm mới tràn đầy tiếng cười và niềm vui sống động.
Tôm không chỉ tượng trưng cho sự "sống động" nhờ vẻ ngoài nhảy nhót, tươi tắn của chúng, mà còn thể hiện sức sống mạnh mẽ và tinh thần tích cực để bắt đầu một năm mới.
Người Trung Quốc tin rằng, việc thưởng thức món tôm trong dịp đầu năm sẽ mang lại năng lượng tích cực, giúp gia đình trải qua một năm tràn đầy hạnh phúc và thuận lợi.