TPHCM: Người đàn ông bị tai nạn nghiêm trọng trong lúc chơi bóng đá
(Dân trí) - Sau tai nạn nghiêm trọng trong lúc chơi bóng đá, người đàn ông tìm đến nhiều cơ sở y tế, bao gồm cả bác sĩ chuyên khoa y học thể thao nhưng chưa được điều trị dứt điểm.
Tối 29/3, thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân người nước ngoài bị chấn thương nghiêm trọng trong lúc chơi bóng đá.
Bệnh nhân là người đàn ông 36 tuổi (quốc tịch Nigeria), hiện sinh sống tại TPHCM. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau khó chịu vùng gối trái và 1/3 trên cẳng chân trái, sau tai nạn xảy ra cách đó ba tuần.
Đáng chú ý, bệnh nhân đã tìm đến nhiều cơ sở y tế, bao gồm cả bệnh viện tư nhân lớn và các bác sĩ chuyên khoa y học thể thao, nhưng chưa được điều trị dứt điểm.

Người đàn ông bị chấn thương xương nghiêm trọng sau tai nạn khi đá bóng (Ảnh: BV).
Qua thăm khám, các bác sĩ tại Bệnh viện TP Thủ Đức đã chẩn đoán bệnh nhân bị gãy lún mâm chày ngoài phân độ Schatzker III (gãy lún hoàn toàn trung tâm của mâm chày ngoài mà bờ xương còn nguyên vẹn) và được tư vấn phương án điều trị phẫu thuật.
Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hoàng Văn Hải, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, ekip phẫu thuật đã nhanh chóng tiến hành ca mổ cho người đàn ông.
Bác sĩ Tài nhận định đây là một ca phẫu thuật khó. Về mặt giao tiếp, do bệnh nhân và người nhà không nói được tiếng Việt nên các bác sĩ đã tư vấn bằng tiếng Anh. Về mặt chuyên môn, bệnh nhân bị mâm chày gãy lún, mặt khớp di lệch nhiều.
Thêm vào đó, bệnh nhân đến muộn khi gãy xương đã 3 tuần, trong khớp có nhiều mô xơ, ổ gãy đã bắt đầu tạo "cal lệch" (một di chứng sau gãy xương), làm dính chặt mảnh gãy.
"Chúng tôi phải đục bỏ phần cal thì mới có thể nâng được mảnh gãy kèm mặt khớp mâm chày lên. Sau khi nâng mảnh gãy mặt khớp thì xương có ổ khuyết hổng lớn, cần được ghép xương tự thân để lấp đầy ổ khuyết hổng", bác sĩ Tài nói.

Nhân viên y tế chăm sóc vết thương cho bệnh nhân (Ảnh: BV).
Quá trình phẫu thuật, ekip đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ như sử dụng kháng sinh dự phòng, gây tê tủy sống kết hợp an thần, kiểm soát huyết áp. Nhờ kỹ thuật mổ ít xâm lấn, bệnh nhân giảm thiểu tổn thương mô.
Sau phẫu thuật, người đàn ông được chăm sóc tích cực với các biện pháp kiểm soát đau đa mô thức, rút sớm ống thông và dẫn lưu để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng được bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng và được hướng dẫn vận động sớm để phòng ngừa huyết khối.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đang hồi phục tốt. Người đàn ông đang được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động và dự kiến xuất viện trong 2-3 ngày tới.
Cụ ông bệnh tim và nhồi máu não nguy kịch được cứu sống
Vừa qua, các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã điều trị cho một cụ ông 83 tuổi mắc bệnh tim nặng.
Người bệnh vào viện trong tình trạng khó thở nhiều, suy tim cấp tăng dần đi kèm phù phổi cấp tính, do hở van hai lá nặng sau nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài bệnh tim, ông còn kèm theo vấn đề nhồi máu não.
Cụ ông được đánh giá toàn diện để xác định mức độ bệnh. Sau cuộc hội chẩn giữa nhiều chuyên khoa, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp điều trị nội khoa tích cực trước để kiểm soát suy tim, tối ưu chức năng thận, hô hấp và nâng cao thể trạng người bệnh.
Khi tình trạng người bệnh ổn định hơn, ekip phẫu thuật tim mạch đã tiến hành thay van hai lá sinh học và bắc cầu động mạch vành cho ông.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: BV).
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch chia sẻ, người cao tuổi thường có nhiều bệnh nền đi kèm với nhau. Vì vậy, điều quan trọng là phải xây dựng chiến lược điều trị phù hợp và an toàn nhất, tối ưu hóa tình trạng người bệnh trước khi mổ.
Sau ca phẫu thuật, với sự chuẩn bị chu đáo của ekip gây mê hồi sức tim mạch, cụ ông hồi phục nhanh chóng. Hai ngày sau mổ, người bệnh có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng và sinh hoạt bình thường, tình trạng khó thở hoàn toàn biến mất, chức năng tim cải thiện rõ rệt.
Kết quả siêu âm tim sau mổ cho thấy van hai lá của bệnh nhân hoạt động tốt, không còn tình trạng hở van gây trào ngược. Đặc biệt, chức năng thận, chức năng hô hấp của cụ ông cũng được phục hồi, không có dấu hiệu suy thận cấp hay suy hô hấp, viêm phổi (những biến chứng thường gặp ở người cao tuổi sau phẫu thuật tim).