Quýt - loại quả đem lại may mắn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán
(Dân trí) - Không chỉ là loại quả quen thuộc trên mâm ngũ quả ngày Tết, quýt còn mang ý nghĩa may mắn, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng trong năm mới.
Tại một số quốc gia trong khu vực châu Á, Tết Nguyên đán sẽ mất đi phần nào ý nghĩa nếu không có sự xuất hiện của quýt. Đây là loại trái cây có vị chua ngọt, vừa để trang trí, vừa là món ăn nhẹ được du khách yêu thích trong dịp đầu năm mới.
Sự liên kết giữa cam, quýt và Tết Nguyên đán đã có lịch sử lâu đời. Ở thời nhà Thanh, các bậc cha mẹ Trung Quốc thường đặt quýt cùng những trái cây khác như vải, chà là hoặc hồng bên cạnh gối của con cái, kèm theo phong bao lì xì đỏ phía dưới.
Theo quan niệm của người Trung Quốc, hành động này mang ý nghĩa xua đuổi những quái vật dân gian. Sáng sớm ngày đầu năm, những đứa trẻ sẽ thưởng thức các loại trái cây như một nghi thức mở đầu cho năm mới bình an.
Có nhiều lời giải thích cho việc tại sao quýt lại được coi là biểu tượng may mắn trong dịp Tết Nguyên đán và phần lớn bắt nguồn từ ý nghĩa phát âm của nó. Trong tiếng Quan Thoại, từ "quýt" (ju) có âm gần giống với từ "may mắn" (ji).
Trong khi đó, tiếng Quảng Đông gọi quýt là "gam", phát âm tương tự từ "vàng". Người Trung Quốc tin rằng, những biểu tượng và từ ngữ mang điềm lành có thể mở ra năm mới tràn đầy hạnh phúc, thịnh vượng.
Ngoài ra, một số loại trái cây khác cũng mang ý nghĩa may mắn như táo, vải đồng âm với "an toàn" và "lợi nhuận". Tuy nhiên, không loại quả nào có thể sánh được với quýt về mức độ phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Không chỉ mang ý nghĩa may mắn trong tên gọi, màu vàng đỏ rực rỡ cùng hình dáng tròn trịa của quả quýt còn được xem như biểu tượng của sự thịnh vượng và tài lộc. Trong suốt hàng nghìn năm, loại trái cây này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và văn học Trung Quốc.
Ở miền Nam Trung Quốc, người ta còn tặng cam vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn cầu chúc may mắn và tài lộc. Truyền thống này nhanh chóng lan rộng đến các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Indonesia - nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo.
Không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, tại tỉnh Wakayama, Nhật Bản - nơi nổi tiếng với nghề trồng quýt - còn có một ngôi đền đặc biệt thờ vị thần của quả Mikan, hay còn được biết đến với tên gọi quýt Satsuma.
Vào dịp lễ Shogatsu (ngày đầu năm mới ở Nhật Bản), quýt thường được đặt lên trên bánh gạo Kagami mochi - hai chiếc bánh tròn xếp chồng lên nhau. Theo truyền thống, người Nhật thường sử dụng một quả cam đắng gọi là Daidai, nhưng dần được thay thế bằng quýt Mikan có vị ngọt phổ biến hơn.
Còn tại Hàn Quốc, quýt không gắn bó mật thiết với dịp Tết Nguyên đán Seollal như các nước láng giềng. Trong lịch sử của xứ sở kim chi, quýt được xem như biểu tượng của sự xa xỉ và thường được dùng làm quà tặng hoặc thưởng thức trong những dịp đặc biệt.