Tâm điểm
Nguyễn Sĩ Dũng

Chính quyền địa phương hai cấp và triết lý phân quyền

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia và kiến tạo sự phát triển bền vững, việc phân quyền giữa các cấp chính quyền ngày càng trở thành một yêu cầu cấp thiết và trọng yếu.

Bộ Nội vụ, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược về tổ chức bộ máy nhà nước, đã và đang có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nghiên cứu, đề xuất mô hình phân quyền phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Những định hướng trong các dự thảo gần đây cho thấy rõ ràng tinh thần của triết lý phân quyền hiện đại - đó là phân quyền phải đi liền với năng lực thực thi, với trách nhiệm giải trình, và với mục tiêu tối hậu là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, để tiến trình này thực sự tạo ra đột phá, cần xác lập rõ hơn một nền tảng triết lý nhất quán về phân quyền - một triết lý có khả năng dẫn dắt tư duy thể chế, định hình mô hình tổ chức bộ máy, và khơi thông động lực phát triển từ cơ sở. Phân quyền không đơn thuần là sự phân chia công việc hành chính, mà là sự tái cấu trúc quyền lực công nhằm tối ưu hóa hiệu lực, hiệu quả quản trị và thúc đẩy sáng tạo trong cung ứng dịch vụ công.

Chính quyền địa phương hai cấp và triết lý phân quyền - 1

Khu vực trung tâm Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: NS)

Triết lý cốt lõi của phân quyền trong quản trị quốc gia hiện đại là: "Giao quyền để tạo giá trị của một nền công vụ gần dân, đúng lúc và bền vững". Trong một thế giới ngày càng phức tạp, đòi hỏi chính quyền không chỉ kiểm soát tốt mà còn phải phản ứng nhanh, linh hoạt và thích ứng cao, thì việc tổ chức lại quyền lực theo hướng hiệu quả trở thành một tất yếu. Cấp nào gần dân hơn, hiểu vấn đề hơn, hành động nhanh hơn thì cấp đó cần được trao quyền nhiều hơn. Cấp nào có tầm nhìn và năng lực điều phối thì thực hiện vai trò hoạch định, điều chỉnh và bảo đảm thống nhất. Đây chính là tinh thần của nguyên lý bổ trợ (subsidiarity) - một nguyên lý được nhiều nền hành chính tiên tiến vận dụng thành công, trong đó có Nhật Bản.

Ở cấp địa phương, phân quyền cần được quán triệt theo một triết lý cụ thể hơn: "Cấp nào gần dân hơn thì cấp đó quyết, làm và chịu trách nhiệm trước dân". Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm, được thể hiện ngắn gọn mà sâu sắc qua phương châm: "Địa phương quyết - Địa phương làm - Địa phương chịu trách nhiệm". Tuy nhiên, để cấp địa phương thực sự phát huy được vai trò đó, điều kiện tiên quyết là phải được giao quyền một cách thực chất, đầy đủ và rõ ràng, chứ không chỉ là giao nhiệm vụ.

Cụ thể, chính quyền cơ sở cần được trao bốn nhóm quyền cơ bản:

Thứ nhất, quyền quyết định trong khuôn khổ chính sách chung - tức là được lựa chọn hình thức tổ chức thực hiện, thứ tự ưu tiên, lộ trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, miễn là vẫn bảo đảm các nguyên tắc, mục tiêu chiến lược đã được cấp trên xác lập.

Thứ hai, quyền về tổ chức bộ máy và nhân sự - đặc biệt là thẩm quyền nhất định trong việc tuyển dụng, bố trí, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, các chức danh không chuyên trách và cộng tác viên ở cơ sở.

Thứ ba, quyền tài chính - ngân sách - bao gồm quyền quản lý một phần nguồn thu ổn định, quyền phân bổ ngân sách linh hoạt trong phạm vi được giao, đặc biệt là đối với các dịch vụ công và nhiệm vụ dân sinh thiết yếu.

Và thứ tư, quyền huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội hóa nguồn lực - cho phép cấp cơ sở tổ chức các mô hình hợp tác công - tư, khuyến khích người dân và tổ chức xã hội cùng tham gia giải quyết các vấn đề công như y tế, giáo dục, môi trường, an sinh…

Khi được trao những quyền này một cách thực chất, chính quyền cơ sở mới có thể trở thành chủ thể hành động năng động, nơi chính sách công không chỉ được thực hiện một cách máy móc, mà còn được "tái sáng tạo" để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế và nhu cầu đa dạng của người dân trên địa bàn.

Đây cũng chính là cơ hội vàng để Việt Nam vượt thoát khỏi mô hình phân quyền trùng lặp kiểu "Matryoshka - búp bê rỗng ruột có kích thước từ nhỏ đến lớn lồng vào nhau" thời Xô Viết, nơi mỗi cấp chính quyền được thiết kế như bản sao thu nhỏ của cấp trên, dẫn đến sự chồng chéo, kém hiệu quả và không rõ trách nhiệm. Mô hình "mọi cấp đều làm mọi việc" đã khiến bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, quan liêu và hành chính hóa toàn diện. Đã đến lúc cần chuyển sang mô hình "mỗi cấp làm tốt phần việc của mình" - trong đó cấp cơ sở là nơi hành động linh hoạt, cấp tỉnh là nơi điều phối và giám sát kết quả, còn cấp trung ương là nơi hoạch định thể chế và bảo đảm tính thống nhất toàn quốc.

Phân quyền không thể thành công nếu chỉ "giao việc" mà không "giao quyền", hoặc nếu giao quyền mà không kèm theo năng lực thực thi và cơ chế giải trình. Do đó, quá trình phân quyền phải gắn liền với cải cách thể chế tài chính địa phương, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, và thiết lập cơ chế kiểm soát dựa trên kết quả thay vì can thiệp vào quy trình. Quan trọng hơn, cần xây dựng niềm tin vào chính quyền cấp cơ sở - niềm tin rằng khi được trao quyền đúng mực và được bảo vệ đúng pháp lý, họ sẽ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư: "Không quyết thay, không làm thay, và cũng không chịu thay trách nhiệm cho địa phương".

Những nỗ lực góp phần đổi mới mô hình phân quyền của Bộ Nội vụ là đúng hướng với tinh thần triết lý phân quyền hiện đại. Vấn đề còn lại là làm rõ, làm sâu và làm dứt khoát hơn triết lý ấy trong toàn bộ tiến trình cải cách, để từ đó có thể thiết kế lại hệ thống quyền lực một cách hài hòa, hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Bởi suy cho cùng, phân quyền không phải để phân tán quyền lực, mà là để tập trung quyền lực vào đúng nơi có thể tạo ra giá trị công lớn nhất - nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và có thể hành động nhanh nhất: chính là cấp cơ sở.

Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!