DGallery
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc

(Dân trí) - Không phải bánh gạo cay hay cơm cuộn rong biển, những món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết của người Hàn vừa cầu kỳ, tinh tế, vừa chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Tiến Bùi

GALLERY

7 ảnh

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 1
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 2
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 3
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 4
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 5
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 6
Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 7

Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán được gọi là Seollal - một trong những ngày lễ quan trọng để tôn vinh giá trị truyền thống và tưởng nhớ về tổ tiên. Bên cạnh ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, đây còn là dịp cả gia đình quây quần bên nhau và thưởng thức những món ăn đặc trưng.

Seollal thường kéo dài trong 3 ngày và ẩm thực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những món ăn như súp, thịt, bánh gạo… trở thành biểu tượng cho sự thịnh vượng, tài lộc, khởi đầu năm mới may mắn.

Dưới đây là những món ăn truyền thống phổ biến, mang ý nghĩa đặc biệt trong ngày lễ Seollal của người Hàn Quốc.

Món ăn truyền thống ngày Tết của người Hàn Quốc (Biên dựng: Tiến Bùi).

Tteokguk (canh bánh gạo)

Tteokguk là món ăn truyền thống nhất định phải thưởng thức để đón chào ngày Seollal tại Hàn Quốc. Dù có cách chế biến đơn giản, canh bánh gạo lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc đằng sau.

Theo quan niệm truyền thống, Tteokguk sẽ được phục vụ vào bữa sáng ngày đầu tiên của năm mới như một cách đón nhận nguồn năng lượng tích cực. Ngoài ra, ăn hết bát canh bánh gạo đồng nghĩa với việc bạn sẽ tăng thêm một tuổi.

Thành phần chính gồm bánh gạo thái lát tròn, thịt bò, trứng, rong biển, hành lá kết hợp với nước dùng từ xương bò tự làm mang lại hương vị đậm đà, thơm ngon. Điều thú vị là lượng bánh gạo trong món ăn có thể được điều chỉnh tùy theo sở thích của từng người (Ảnh: simplyrecipes).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 1

Mandu (bánh xếp Hàn Quốc)

Mỗi quốc gia châu Á đều có một phiên bản bánh bao đặc trưng. Tại Hàn Quốc, mọi người thường gọi là Mandu. Đây là món ăn quen thuộc trên bàn tiệc của các gia đình mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Đối với người Hàn Quốc, Mandu là biểu tượng của sự may mắn và thiện chí dành cho những người thân yêu. Quá trình làm bánh thường được thực hiện thủ công và trở thành hoạt động đặc biệt, gắn kết cả gia đình trong ngày đầu năm mới.

Mandu điển hình của Hàn Quốc được làm từ rau củ và thịt xay (thường là thịt lợn hoặc các loại thịt xay khác). Phần rau bao gồm hành tây, bắp cải và giá đỗ xanh thái nhỏ.

Tất cả nguyên liệu được gói gọn trong một lớp bột bánh mỏng. Sau đó, bánh có thể được chế biến bằng cách hấp hoặc áp chảo, mang đến hương vị độc đáo.

Đặc biệt, ngoài việc được dùng làm khai vị hoặc món phụ, Mandu còn có thể thêm vào canh bánh gạo tạo nên món Tteok mandu guk. Đây là một trong những món ăn được yêu thích nhất dịp năm mới, mang đến sự kết hợp hài hòa giữa hai đặc sản truyền thống của Hàn Quốc (Ảnh: thespruceeats).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 2

Gujeolpan (nem cuốn cửu vị)

Trong mâm cơm ngày Tết Nguyên đán của Hàn Quốc, Gujeolpan xứng đáng được xem là tâm điểm. Tên gọi của món ăn này được dịch theo nghĩa đen là "đĩa có 9 ngăn".

Gujeolpan xuất hiện từ thế kỷ 14 và gắn liền với quan niệm mỗi thành phần trong món ăn sẽ tượng trưng cho một nguyên tố vũ trụ. Thông thường, có 5 yếu tố chính được thể hiện qua các màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, trắng, đen và xanh dương hoặc xanh lá cây.

Gujeolpan gồm 8 món phụ xếp xung quanh những chiếc bánh crepe mỏng. Một số món ăn kèm điển hình là giá đỗ xanh, hành tây, các loại nấm, ớt chuông, củ cải, dưa chuột… Thành phần nguyên liệu có thể thay đổi nhưng 5 màu sắc đại diện phải thể hiện rõ ràng.

Vẻ ngoài của Gujeolpan có phần đơn giản, nhưng mỗi nguyên liệu đều được chế biến theo cách riêng biệt, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo (Ảnh: Visit Korea).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 3

Japchae (miến xào kiểu Hàn Quốc)

Nếu có một món ăn thể hiện rõ nét di sản văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, đó chính là Japchae. Miến xào đã trở thành đặc sản từ thế kỷ 17 và vẫn được yêu thích qua nhiều thế hệ, đặc biệt nổi bật trong dịp Tết Nguyên đán.

Japchae gây ấn tượng bởi vẻ ngoài bắt mắt kết hợp cùng màu sắc của nhiều loại rau củ trộn lẫn với sợi mỳ. Tuy nhiên, công thức miến xào truyền thống ban đầu chỉ bao gồm rau và nấm.

Ngày nay, Japchae thường được gọi là "mỳ thủy tinh Hàn Quốc" do đặc điểm sợi mỳ trong suốt và làm từ khoai lang. Miến xào thường phục vụ như một món ăn phụ hoặc nâng cấp thành món chính khi kết hợp cùng cơm và thịt (Ảnh: andrewzimmern).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 4

Galbijjim (sườn bò hầm)

Galbijjim từng được xem là biểu tượng của sự giàu sang và quyền quý. Không chỉ đơn thuần là một món ăn, sườn bò hầm còn mang giá trị truyền thống sâu sắc.

Trong không khí hiện đại của Tết Nguyên đán, Galbijjim vẫn còn phổ biến trên bàn ăn của các gia đình và gợi nhớ về chiều dài lịch sử văn hóa Hàn Quốc. Ít ai biết rằng, món ăn này có nguồn gốc từ hoàng gia.

Điểm đặc trưng nhất của món ăn chính là phần nước sốt - sự hòa quyện của lê Hàn Quốc (hoặc táo ngọt), nước dùng rong biển, đường nâu và các loại gia vị khác. Sườn bò được tẩm ướp kỹ lưỡng và hầm ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài.

Dù thuộc nhóm món ăn đòi hỏi nhiều công sức, Galbijjim hoàn toàn xứng đáng với thời gian và nỗ lực bỏ ra (Ảnh: Korean Bapsang).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 5

Yaksik (xôi ngọt)

Yaksik là một trong số ít món ngọt được tìm thấy trên bàn tiệc năm mới tại Hàn Quốc. Món ăn được làm từ gạo nếp, hạt dẻ, hạt thông, các loại trái cây sấy khô, đường đỏ, dầu mè…

Món tráng miệng này gắn liền với truyền thuyết về một vị vua và con quạ, có niên đại khoảng 1.500 năm trước. Yaksik trong tiếng Hàn là "thực phẩm dược liệu", phản ánh ý nghĩa đặc biệt của món ăn trong ngày đầu năm mới.

Thành phần của Yaksik gồm mật ong giúp tăng cường sức khỏe và loại gạo có kết cấu dẻo, kết dính, không chứa gluten. Đặc biệt, phần hạt, trái cây sấy khô được thêm vào tùy theo sở thích của mỗi người.

Sự kết hợp giữa ngọt và mặn nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng hương vị hòa quyện độc đáo giúp món tráng miệng Yaksik trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn (Ảnh: Korean Bapsang).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 6

Nokdujeon (bánh kếp đậu xanh)

Nokdujeon được làm từ đậu xanh xay nhuyễn và là món ăn phụ quen thuộc xuất hiện trên bàn tiệc Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc.

Đậu xanh mang hương vị đặc trưng riêng trong ẩm thực Hàn Quốc và giá đậu cũng là một món ăn phụ phổ biến của người dân xứ sở kim chi.

Thành phần làm nên Nokdujeon có thể linh hoạt, thường bao gồm thịt heo băm nhỏ và kim chi. Công đoạn khó nhất trong việc chuẩn bị món ăn này là ngâm đậu trong vài tiếng đồng hồ. Khi hạt đậu được ngâm mềm, xay nhuyễn cùng nước sẽ tạo nên hỗn hợp bột của món bánh kếp Nokdujeon.

Nokdujeon thường được dùng trong các nghi lễ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc. Món bánh là lời tri ân gửi đến tổ tiên, đồng thời tạo điểm nhấn đặc biệt trên bàn tiệc ngày Tết. Hương vị của những chiếc bánh kếp thơm ngon này rất đáng để thử một lần (Ảnh: Korean Bapsang).

Ý nghĩa đằng sau 7 món ăn ngày Tết độc đáo của người Hàn Quốc - 7