Trình UNESCO đưa võ cổ truyền Bình Định thành di sản văn hóa thế giới

Doãn Công

(Dân trí) - Võ cổ truyền là linh hồn của đất và người Bình Định, không chỉ là môn võ thuật mà còn là phương tiện rèn luyện tâm, trí, thể lực, thể hiện tinh thần thượng võ và ý chí tự cường của dân tộc.

Ngày 29/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã ký văn bản đồng ý trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Võ cổ truyền Bình Định" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan để hoàn tất các thủ tục cần thiết, đảm bảo thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.

Trình UNESCO đưa võ cổ truyền Bình Định thành di sản văn hóa thế giới - 1
Biểu diễn võ Tây Sơn - Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Trước đó, vào năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 5/1, Sở Văn hóa và Thể thao (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa tổ chức hội thảo khoa học quốc tế nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về công tác bảo tồn và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định. Đặc biệt, các giải pháp để UNESCO công nhận võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được đưa ra.

Trình UNESCO đưa võ cổ truyền Bình Định thành di sản văn hóa thế giới - 2
Nếu lấy mốc từ thời Tây Sơn, võ Bình Định đã có hơn 200 năm hình thành và phát triển (Trong ảnh quân lính nhà Tây Sơn luyện tập - Doãn Công).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh rằng, võ cổ truyền Bình Định, với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống, là một trong những di sản phi vật thể cần được bảo vệ và phát huy.

Võ cổ truyền Bình Định có nguồn gốc từ ngàn xưa, gắn liền với đời sống văn hóa và được lưu truyền đến ngày nay. Võ học đã trở thành một phần của văn hóa tinh thần, hoạt động thể thao để rèn luyện thể lực, trí lực và tâm lực, tạo nên bản sắc văn hóa của con người Bình Định.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, khẳng định võ cổ truyền là linh hồn của đất và người Bình Định, không chỉ là môn võ thuật mà còn là phương tiện rèn luyện tâm, trí, thể lực, thể hiện tinh thần thượng võ và ý chí tự cường của dân tộc.