GALLERY
7 ảnh
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng ở nhiều quốc gia châu Á. Người dân tại đây thường chào đón những ngày đầu năm mới theo cách đặc biệt, dựa trên đặc trưng văn hóa của họ.
Lẩu (Trung Quốc)
Vào dịp Tết Nguyên đán, ẩm thực trở thành cầu nối cho những cuộc đoàn tụ gia đình. Tại Trung Quốc, lẩu trở thành món ăn biểu tượng cho ý nghĩa này.
Trong không khí sum vầy, các gia đình thường quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói, chia sẻ bữa ăn ấm cúng. Dù có nhiều biến tấu, phiên bản lẩu cay vẫn phổ biến nhất. Người dân nơi đây lựa chọn những nguyên liệu đa dạng, phong phú với hy vọng về sự thịnh vượng và may mắn trong năm mới (Ảnh: Eater).
Bánh thốt nốt Kanom Pia (Thái Lan)
Kanom Pia (bánh thốt nốt) là loại bánh ngọt có lớp vỏ xốp bên ngoài bao bọc lấy phần lõi giống như kẹo mềm, làm từ bột đậu ngọt và lòng đỏ trứng muối.
Loại bánh này có nguồn gốc từ những người thợ làm bánh của Trung Quốc. Bánh thốt nốt thường được đóng dấu đỏ, biểu tượng cho sự thịnh vượng. Kanom Pia đôi khi được ngâm trong khói nến để tạo ra mùi khói đặc trưng cho bánh (Ảnh: Foodpanda).
Thịt nướng Bakkwa (Malaysia, Singapore)
Bakkwa - món thịt nướng thơm lừng với hương vị mặn ngọt đặc trưng - là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở Malaysia và Singapore. Những lát thịt vuông vức, béo ngậy được nướng trên than hoa không chỉ hấp dẫn bởi hương vị, mà còn gợi nhắc đến truyền thống ẩm thực lâu đời của Trung Quốc.
Bakkwa bắt nguồn từ kỹ thuật bảo quản thực phẩm và cách chế biến độc đáo của người Trung Quốc, nhưng đã được biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị của người dân địa phương. Thay vì phơi khô theo phương pháp truyền thống, thịt được nướng trên than để mang lại độ mềm mọng và hương khói đặc trưng (Ảnh: Sethlui).
Món Larb (Lào)
Tết truyền thống của người Lào thường được diễn ra vào giữa tháng 4, mang đậm nét văn hóa độc đáo của xứ sở triệu voi. Trong dịp đặc biệt này, món Larb (Lạp) được xem như biểu tượng của may mắn và phúc lộc dồi dào. Đây là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc năm mới.
Món Lạp được chế biến từ thịt bò, thịt gà hoặc cá, trộn cùng gia vị đặc trưng như nước mắm, nước cốt chanh, ớt, thính gạo và rau thơm. Sự hòa quyện giữa các nguyên liệu tạo nên hương vị vừa đậm đà, vừa thanh mát, thể hiện tâm huyết của người nấu (Ảnh: Cook Eat World).
Sủi cảo (Trung Quốc)
Với người dân Trung Quốc, bữa tối đêm giao thừa không chỉ là bữa ăn đầu năm, mà còn là dịp đoàn tụ quan trọng nhất trong năm. Trong không khí ấm áp của ngày Tết, mọi thành viên gia đình đều phải có mặt để cùng thưởng thức bữa tiệc sum họp.
Tại bữa ăn đặc biệt này, rất nhiều món ăn mang ý nghĩa biểu trưng được chuẩn bị, trong số đó phải kể đến sủi cảo. Đây là món ăn truyền thống, tượng trưng cho sự đoàn tụ và may mắn.
Theo phong tục, các gia đình thường quây quần bên nhau vào đêm giao thừa để gói và thưởng thức sủi cảo, tạo nên khoảnh khắc gắn kết yêu thương vào dịp Tết (Ảnh: Vibrant Food Vibrant You).
Canh bánh gạo Tteokguk (Hàn Quốc)
Đối với người Hàn Quốc, năm mới không thể bắt đầu nếu thiếu Tteokguk (canh bánh gạo) truyền thống, mang đậm ý nghĩa văn hóa. Đây là món ăn sáng quen thuộc vào ngày đầu năm, giúp xua tan cái lạnh của mùa đông và đem lại hy vọng về năm mới tốt lành.
Người dân Hàn Quốc quan niệm, ăn một miếng canh bánh gạo là thêm một tuổi mới. Món ăn này không chỉ thơm ngon, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu trưng. Khi được cắt lát, bánh gạo trông giống như đồng xu, mang ý nghĩa cầu chúc giàu có và thịnh vượng.
Ngày nay, nhiều người trẻ ở Hàn Quốc hài hước tạo ra trào lưu tránh ăn canh bánh gạo vào đầu năm vì sợ… sẽ bị già thêm một tuổi (Ảnh: Tara's Multicultural Table).
Bánh Tikoy (Philippines)
Trong ngày Tết, món ăn không thể thiếu của người dân Philippines là bánh Tikoy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên.
Người Philippines tin rằng, ăn bánh Tikoy vào ngày đầu năm mới sẽ giúp những người thân trong gia đình thêm gắn bó, đoàn kết và luôn bên nhau (Ảnh: Foxy Folksy).
Hải Linh