Từ chuyện vườn hoa "mới phát hiện" dưới chân cầu Long Biên
Sáng sớm Chủ nhật ngày 20/10, vợ tôi gọi tôi dậy sớm đi chụp ảnh. Đang buồn ngủ nên tôi kiếm cớ thoái thác không đi, nhưng khi nghe thấy vợ bảo có địa điểm chụp mới ở chân cầu Long Biên, tôi liền bật dậy sửa soạn rất nhanh rồi theo vợ đi ngay.
Địa điểm này đúng là mới nhưng không lạ, ở ngay dưới cầu Long Biên, chính là một dòng chảy của sông Hồng. Mới đây thôi, ai hàng ngày đi qua cầu Long Biên, nhìn xuống phía bờ sông giáp bên nội thành, đều thấy một bãi lau sậy rất rộng, trải dài hai bên cầu, bị người dân đổ trộm rác thải và xà bần, chen lẫn là các mảnh vườn nhảy dù tự khoanh vùng làm nơi chăn nuôi trồng trọt. Nhìn khung cảnh nhếch nhác này không ai ngờ là nó nằm ngay dưới cây cầu Long Biên nổi tiếng, cách Hồ Gươm linh thiêng không xa.
Vì thế nên nói Hà Nội quay lưng với sông Hồng quả là không oan.
Nhưng giờ đây nó đã trở thành một địa điểm check-in mới của Hà Nội, thậm chí là đang rất "hot". Tất cả bắt đầu từ tháng 5 năm nay, khi thành phố quyết định cho giải tỏa tất cả lấn chiếm, san ủi bằng phẳng rồi giao cho Hội Phụ nữ quận Ba Đình quản lý, xây dựng thành vườn hoa, tạo không gian thư giãn cho người dân trong phố. Trước mắt hội phụ nữ quận và trực tiếp là hội phụ nữ phường Phúc Xá đã trồng được vườn hoa mấy trăm mét vuông, tạo một cảnh quan mới cho nơi vốn là bãi rác hoang vắng.
Khung cảnh xinh đẹp này ngay lập tức thu hút các nhiếp ảnh gia Hà Nội. Bây giờ ngày nào ở vườn hoa này cũng có hàng chục tay máy say sưa chụp góc mới của cầu Long Biên. Đây là lần đầu tiên cầu Long Biên được chụp dưới góc mới như vậy, với tiền cảnh là những cánh hoa bướm rung rinh. Chỉ một vài tháng nữa thôi, khi các luống hoa cải, hoa cúc đủ màu nở rộ, thì nơi đây sẽ là một địa điểm chụp ảnh đắt khách hàng đầu Hà Nội. Vâng, thật vậy, chỉ có ở đây bạn mới có thể tạo dáng với một biểu tượng nổi tiếng nhất của Hà Nội: cầu Long Biên.
Từ câu chuyện của vườn hoa "mới phát hiện" dưới cầu Long Biên, tôi chợt nhận ra, Hà Nội quá thiếu không gian công cộng.
Từ lâu tôi đã bối rối khi có khách từ xa đến thăm Hà Nội. Biết dẫn đi đâu để giới thiệu cảnh đẹp Hà Nội bây giờ. Chỉ còn đi một vòng Hồ Gươm rồi lên đứng ngắm một chút Hồ Tây là hết, chẳng còn biết đi đâu nữa. À còn một số chùa và viện bảo tàng, rồi Hoàng Thành nữa, nhưng không phải ai cũng có hứng thú với các di tích lịch sử. Phải thành thật thừa nhận Hà Nội quá thiếu các vườn hoa, các không gian công cộng... nên cuối cùng mọi chuyến thăm Thủ đô ngàn năm văn hiến chủ yếu kết thúc trong một quán nhậu nào đấy, nơi mà chủ nhà vẫn cứ say sưa ca ngợi một Hà Nội nên thơ...
Đối với không gian làng xã Việt Nam xưa kia, không gian công cộng chính là các đình làng. Trong đình là nơi thờ thành hoàng làng, là nơi các chức sắc trong làng bàn việc, sân đình là nơi làng tổ chức các lễ hội. Khi cư dân thành Thăng Long xưa lập thành phố phường, thì các đình làng cũng đi theo lên phố. Nhưng do điều kiện đất đai chật hẹp, nên đình làng trong các phố chỉ còn lại là một số nhà.
Hiện nay ở khu vực phố cổ vẫn còn tồn tại một số ngôi đình xưa như: phố Hàng Bạc có đình Kim Ngân, phố Hàng Vải có đình Đông Thành...
Khi người Pháp xây dựng thành phố Hà Nội, đã quy hoạch thành phố theo hình mẫu một thành phố châu Âu, có quảng trường trung tâm, có vườn hoa, nhà hát, viện bảo tàng, thư viện. Các kiến trúc cổ điển châu Âu đó hài hòa với kiến trúc cổ Á đông làm nên một Hà Nội độc đáo, từ đó sinh ra bao nhiêu rung động thẩm mỹ sâu xa.
Một trong những độc đáo nhất của Hà Nội là quảng trường trung tâm của thành phố là quảng trường nước, Hồ Gươm. Mặt Hồ Gươm hội tụ mây trời Thủ đô, hấp thu đi hết khói bụi, trả lại cho trung tâm thành phố một không khí trong lành. Một đại lộ rộng lớn chạy vòng quanh hồ, cùng với vườn hoa bờ hồ, tạo nên một không gian sinh hoạt công cộng cho thành phố. Vào các dịp lễ tết, xung quanh hồ đông nghịt người dân vui vẻ dạo bước. Về đến Hà Nội mà chưa lên đến Hồ Gươm là chưa về đến nơi. Ki lô mét số không của Hà Nội tính từ mốc Bưu Điện bên Hồ Gươm.
Thế nhưng từ khi Hà Nội là một thành phố 10 vạn dân, nay đã thành một thành phố hơn 8 triệu dân, thì không gian công cộng của Hà Nội vẫn chủ yêu là Hồ Gươm. Hồ Gươm bây giờ thật sự là quá tải mỗi khi vào dịp lễ tết hay khi có sự kiện chung nào đấy.
Nhớ mỗi lần đội tuyển bóng đá VN thắng trận, người dân đổ xuống đường ăn mừng, và một cách rất tự nhiên, các đoàn diễu hành từ mọi ngả đều hướng về trung tâm, hướng về Hồ Gươm. Nhưng khi gần đến nơi thì đều bị cấm đường, không cho lại gần Hồ Gươm, vì đã bị quá tải. Gần đây nhất, nhiều người đã than phiền là vào dịp lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, Hồ Gươm cũng cấm đường, chỉ ai có giấy mời mới được vào, vì sợ quá đông không còn chỗ để diễn ra lễ diễu hành.
70 năm kể từ ngày tiếp quản Hà Nội, chính quyền cũng xây được một số công viên mới như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Thành Công, Thanh Nhàn và gần đây nhất là một số công viên ở một số khu đô thị mới như Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Yên Sở... Các công viên này, chỉ trừ công viên Yên Sở do ở quá xa, còn lại nhanh chóng bị quá tải, người dân vẫn thiếu không gian để đi dạo, tập thể dục, cho trẻ con chơi... nên vẫn tạo ra một ấn tượng Hà Nội bức bí, Hà Nội thiếu không gian xanh.
Hà Nội hiện nay đang trở thành một trong những nơi ô nhiễm nhất cả nước. Có nhiều ngày trong năm mật độ bụi mịn lên ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe, như ngày 2/2/2024, chỉ số ô nhiễm tại nhiều khu vực ở Hà Nội vượt ngưỡng 200, chỉ số bụi mịn cao gấp 37 lần khuyến nghị của WHO, ở mức "có hại sức khỏe". Người dân được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, người dân vẫn phải ra khỏi nhà, vẫn tham gia giao thông, vẫn đắm chìm trong bầu không khí ô nhiễm ấy.
Để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân, thành phố có nhiều giải pháp quyết liệt như kế hoạch hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, thành lập các khu vực phát thải thấp... thì việc tạo thêm không gian sinh hoạt công cộng, việc thành lập thêm các vườn hoa cây xanh là vô cùng cấp thiết. Phát triển không gian xanh sẽ làm giảm mật độ dân cư, tăng thảm xanh để hấp thu chất ô nhiễm.
Tuy nhiên rút kinh nghiệm từ việc phát triển đô thị thời gian vừa qua thì cùng với việc xây dựng những công viên lớn, có hồ nước và tiểu cảnh, việc phát triển các công viên nhỏ xen kẽ giữa các khu dân cư cũng rất quan trọng. Ở một số quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai... có thể thấy san sát là nhà mái tôn, không có một khoảng trống nào cho cây xanh. Nếu các khu dân cư này có các mảng xanh thì sẽ giúp giải tỏa không khí ngột ngạt, còn có tác dụng rất thiết thực là chỗ cho trẻ nhỏ vui chơi, chỗ cho người già đi dạo...
Do lịch sử để lại mà việc có được mảng xanh ở các khu dân cư cũ rất khó khăn. Tuy nhiên không phải là không có giải pháp, miễn là thành phố có quyết tâm cao. Hiện nay nhiều cơ sở nhà máy và trụ sở cơ quan Bộ ngành di chuyển đến nơi mới, thì diện tích để lại nên cố gắng dành cho cộng đồng như xây thêm trường học, xây công viên cây xanh, thì như vậy việc di chuyển nhà máy và cơ quan mới có ý nghĩa. Tuy nhiên thật đáng tiếc, chúng ta quan sát thấy những khu đất sau khi các nhà máy hoặc cơ quan di dời xong thì lại mọc lên các tòa chung cư đắt tiền, lại chất thêm tải vào nội đô vốn đã quá tải và ô nhiễm. Thật là buồn thay.
Vì thế khi nhìn thấy một mảng xanh nhỏ nhoi mới thành hình ở bãi Long Biên, người dân Hà Nội sao thấy quý giá thế.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!