Xu hướng Gen Z đi xa nhà để lập nghiệp

CTV

(Dân trí) - Với nhiều bạn trẻ Gen Z, việc đi xa lập nghiệp là điều cần có trên hành trình phát triển bản thân.

Bước ra khỏi ghế nhà trường, với vốn kiến thức và hành trang kỹ năng của con người hội nhập, nhiều Gen Z quyết định xa nhà để tìm kiếm những cơ hội ở một môi trường cạnh tranh.

Những bạn trẻ ấy cân nhắc rời xa gia đình để học tập, tìm kiếm công việc có mức thu nhập tốt cũng như nhiều tiềm năng phát triển ở một thành phố mới.

Gen Z là thế hệ đầu tiên có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ. Cuộc sống của những bạn trẻ ấy gắn liền với mạng xã hội, công nghệ cao, chịu nhiều áp lực cạnh tranh.

Đây cũng là thế hệ nhanh nhạy, sẵn sàng học hỏi những điều mới. Vì vậy, không khó hiểu việc ngày càng nhiều Gen Z quyết định tới sống ở một thành phố khác để tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

Một vùng đất mới, nhiều cơ hội mới

Nguyễn Tuấn Dũng, 22 tuổi, đến từ Hà Nội, hiện là sinh viên năm cuối ngành Quản trị - Luật, Đại học Luật TPHCM. Dũng quyết định Nam tiến từ khi tốt nghiệp THPT, bởi có duy nhất Đại học Luật TPHCM đào tạo ngành anh yêu thích.

Dũng cho biết thêm, anh cũng muốn học cách tự sắp xếp cuộc sống, không muốn dựa dẫm mãi vào bố mẹ. "Rời xa gia đình là cơ hội cho mình học cách sống độc lập hơn", anh tâm sự.

Xu hướng Gen Z đi xa nhà để lập nghiệp - 1
Tuấn Dũng quyết định tự lập từ rất sớm. (Ảnh: NVCC).

Trong những năm vừa qua, ngoài việc học tập, Dũng còn tìm được nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn giúp trang trải chi phí sinh hoạt. Nhờ vậy, anh có được nhiều trải nghiệm, kỹ năng mới và tự do hơn.

Dũng cũng chia sẻ: "Trong tương lai mình sẽ làm nhiều công việc cùng lúc, không chỉ bó buộc với chuyên ngành học hiện tại. Được thử sức với nhiều công việc khác nhau giúp mình bứt phá được giới hạn của bản thân".

Sẵn sàng học hỏi những điều mới, từ bỏ những điều không còn phù hợp

Nếu những thế hệ trước thường e ngại khi phải thay đổi công việc, môi trường sống thì Gen Z lại hoàn toàn khác.

Chúng ta đã biết Gen Z được đáp ứng đầy đủ về mặt vật chất hơn so với Gen X, Gen Y. Vì vậy, mục tiêu công việc của những bạn trẻ này không dừng lại ở lương thưởng.

Nếu công việc hiện tại không mang lại nhiều giá trị cho Gen Z (môi trường làm việc, học hỏi được nhiều kỹ năng mới…), họ sẵn sàng tìm một hướng đi khác phù hợp hơn.

Nguyễn Mai Anh, 23 tuổi, sống tại Hà Nội. Chia sẻ với PV Dân trí, cô bạn cho biết: "Trước đây, mình từng làm việc ở vị trí nhân viên kinh doanh tại một công ty và có mức lương ổn định.

Tuy nhiên, mình không tìm thấy sự yêu thích với công việc nên đã xin nghỉ. Bởi ngày nào công việc cũng giống nhau, mình không muốn cuộc sống là một vòng lặp nhàm chán".

Xu hướng Gen Z đi xa nhà để lập nghiệp - 2
Mai Anh từ bỏ công việc ổn định để khám phá lĩnh vực mới. (Ảnh: NVCC)

Hiện tại, Mai Anh đang thử sức với lĩnh vực tổ chức sự kiện. Ngoài ra, cô gái trẻ cũng đa dạng nguồn thu nhập bằng cách đầu tư chứng khoán và kinh doanh online. Cô bật mí dự định sắp tới sẽ đi du học tại Hàn Quốc.

"Mình đã có bằng Quản trị kinh doanh nhưng vẫn muốn học thêm về mảng Marketing. Mình nghĩ học không bao giờ là đủ và cũng chưa bao giờ là muộn.", cô tâm sự.

Đi để biết không nơi đâu bằng nhà

Bùi Quang Phú, 20 tuổi, đến từ Bình Phước, hiện là sinh viên năm thứ ba tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Phú lựa chọn tới Thủ đô để theo đuổi ngành học bạn yêu thích. Phú chia sẻ: "Mình muốn ra khỏi vùng an toàn của bản thân, khám phá nhiều điều mới mẻ nên quyết định ra Hà Nội học tập và sinh sống."

Phú bộc bạch, dù mới tới Hà Nội chưa lâu nhưng bản thân khá hợp với nhịp sống nơi đây. Vào thời điểm mới chuyển tới Thủ đô, do chưa quen với thời tiết miền Bắc nên thường xuyên bị ốm, cũng như khác biệt về khẩu vị vùng miền nên cần thời gian thích nghi. Nhưng bù lại, Phú luôn được bạn bè, đồng nghiệp tốt sẵn sàng giúp đỡ, vì vậy không thấy khó khăn để hòa nhập.

Xu hướng Gen Z đi xa nhà để lập nghiệp - 3
Quang Phú khá dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới. (Ảnh: NVCC)

Quang Phú cho biết, quyết định xa nhà của bản thân nhận được sự ủng hộ của gia đình. Phú nói thêm: "Gia đình mình cũng có lo lắng. Nhưng sau một thời gian sống xa nhà, thấy mình đã trưởng thành hơn, cũng thường xuyên liên lạc với gia đình nên cha mẹ đã an tâm về mình hơn".

Ngược lại với Phú, quyết định Nam tiến của Dũng không nhận được sự ủng hộ của gia đình. "Gia đình mình phản đối kịch liệt. Bố mẹ lo lắng cuộc sống ở Sài Gòn nguy hiểm, rằng mình sẽ không thể sống được ở đây. Bởi trong mắt bố mẹ, con lúc nào cũng bé bỏng mà. Nhưng sau khi hiểu được nguyện vọng, kế hoạch của mình thì bố mẹ cũng dần ủng hộ", Dũng chia sẻ.

Không ít lần Dũng thấy lạc lõng, cô đơn giữa thành phố xa lạ. Anh cho biết cần khá nhiều thời gian để thích nghi với nhịp sống, văn hóa nơi đây; cũng như phải học cách cân bằng chi tiêu, không được thoải mái như lúc ở với bố mẹ.

"Ốm đau không dám nói với bố mẹ, phải tự xoay sở hết. Những lúc như vậy mình tủi thân vô cùng, chỉ ước rằng được về với gia đình thôi", Dũng nói.

Tuấn Dũng cũng gửi lời tới những bạn trẻ đang có ý định xa nhà lập nghiệp: "Còn trẻ hãy cứ xách balo lên và đi. Tục ngữ có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Hãy đi để khám phá, để trải nghiệm, để biết rằng không nơi đâu bằng nhà mình và biết cách trân trọng gia đình hơn nhé".