Tổng Bí thư: Định hình vị thế Ninh Bình mới trên bản đồ phát triển quốc gia
(Dân trí) - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc hợp nhất ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là bước đi có tính tất yếu trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình phát triển và nâng cao hiệu quả quản trị vùng...
Chiều 23/6, tại Nam Định, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình (Ảnh: TTXVN).
Tỉnh Ninh Bình mới có 129 đơn vị hành chính cấp xã
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trình bày báo cáo tóm tắt kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả 3 tỉnh đều duy trì ở mức khá. Đến nay, cả 3 tỉnh đều được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện. Thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt kết quả tốt.

Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Minh Tuyến).
Đối với hoạt động sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Thường vụ 3 tỉnh thực hiện nghiêm túc. Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và dự thảo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được nhân dân đồng thuận rất cao.
Sau sắp xếp, tỉnh Ninh Bình mới có 129 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 269 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay).
Ngày 21/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ 3 tỉnh đã thảo luận thông qua Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh; Đề án thành lập các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; Đề án hợp nhất các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội... để kịp thời ban hành các quyết định và thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, đảm bảo đồng bộ khi tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7…
Kiến tạo không gian hiện đại, năng động với Ninh Bình giữ vai trò trung tâm
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình trong thời gian qua.
Tổng Bí thư khẳng định, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình là ba miền đất mang trong mình ba bản sắc riêng biệt nhưng cùng hội tụ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc và tương đồng. Từ thuở bình minh của lịch sử dựng nước, ba vùng đất này đã đồng hành, góp phần làm rạng danh nền văn minh sông Hồng - cái nôi văn hóa rực rỡ của dân tộc Việt.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TTXVN).
Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc hợp nhất ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là bước đi có tính tất yếu trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình phát triển và nâng cao hiệu quả quản trị vùng ngày càng trở nên cấp bách.
Không còn bị giới hạn bởi địa giới hành chính cũ, một không gian phát triển thống nhất sẽ được hình thành, nơi các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương không chỉ được phát huy riêng rẽ mà còn được tích hợp, bổ trợ và lan tỏa lẫn nhau, tạo thành một động lực phát triển mới mạnh mẽ và bền vững.
Tổng Bí thư chỉ đạo, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tính bổ trợ lẫn nhau giữa 3 vùng của tỉnh Ninh Bình mới, đề nghị 3 tỉnh khẩn trương hoàn tất việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết 60 và Kết luận 150 của Bộ Chính trị, bảo đảm các nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và vận hành thông suốt.
Tổng Bí thư lưu ý, trong công tác cán bộ, phải đặc biệt chú ý khâu đoàn kết. Đối với các vị trí lãnh đạo đoàn kết là có tất cả, mất đoàn kết là mất hết. Phải lấy phẩm chất, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm thước đo cao nhất, kiên quyết không để nảy sinh tâm lý cục bộ địa phương, lợi ích nhóm hay tư tưởng bè phái, chia rẽ nội bộ…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể cho tỉnh Ninh Bình mới một cách bài bản, khoa học, mang tầm nhìn dài hạn. Đây là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến khả năng phát huy giá trị cộng hưởng giữa ba vùng và định hình vị thế mới của tỉnh trên bản đồ phát triển quốc gia.
Đề cập về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và định hướng chính trị.
Theo Tổng Bí thư, việc hợp nhất 3 tỉnh không đơn thuần là sắp xếp lại địa giới, mà là bước chuyển về chất trong mô hình phát triển, quản trị vùng và thiết kế thể chế. Toàn bộ quá trình chuẩn bị cần được triển khai nghiêm túc, bài bản, trên nền tảng tổng kết sâu sắc thực tiễn, phân tích đầy đủ những đặc điểm mới và yêu cầu đặt ra từ hội nhập, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững.
Trên cơ sở đó, xây dựng tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Mục tiêu là kiến tạo một không gian phát triển hiện đại và năng động, với Ninh Bình giữ vai trò trung tâm, từng bước chuyển mình thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh - thông minh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mang bản sắc một trung tâm di sản của quốc gia…